Ngắm nhìn khu ký túc xá K1, K2,...K6

 

Nhớ lại những câu chuyện chúng tôi ở ký túc xá ngày ấy

                        PGS.TS Vũ Quý Đạc

Phó Bí thư Đảng ủy

Phó Hiệu trưởng

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên

 

 

            Các em sinh viên K45, K46 thân mến!

            Trong dịp về dự kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường Đại học KTCN của chúng ta, anh em cựu sinh viên K9M chúng tôi có dịp tề tựu trong một quán ăn nhỏ gần trường. Sau bữa “ tiệc tù`     ng” lâu ngày gặp lại chúng tôi nhớ lại những câu chuyện về thời ở trong Ký túc xá ngày ấy: Thời ăn chung, ở chung,  ngủ chung, tiêu tiền chung và cuối cùng gần như học chung; có người bổ sung thêm “đọc Thư tình chung” …thế là cả hội phá lên cười. Có Bác cựu sinh viên (dân K5) người Hà Nội đi bộ đội về nhập học cùng K9 phân trần: Không hiểu thời học đại học mình học kiểu gì mà nhớ lâu thế! đến bây giờ các các công thức toán học như tích phân đường, tích phân mặt, tích phân ba lớp; hay công thức phương trình 3 mô men trong môn sức bền vật liệu; rồi phương trình Béc nuli về chẩy tầng, chẩy rối; phương trình động học liên kết chuỗi đồ thị vòng quay trong Máy cắt kim loại; rồi tiếng Nga, bây giờ nhiều từ vẫn nhớ như in trong đầu; lạ thật… Bây giờ đã có con tốt nghiệp đại học Bách khoa đi làm mấy năm nay; nghĩ lại vẫn nuối tiếc: Năm năm nó học đại học là 5 năm tôi vất vả, lo lắng, lúc nào cũng phải luôn mồm động viên nó ngồi học…lí do nhà gần trường, sợ nó khổ  nên không cho vào ở ký túc xá. Một ngày chỉ có mấy tiết đi học trên lớp sau đó về nhà cuốn vào sinh hoạt gia đình, thời gian học bị phân tán, không có ai trao đổi. Bây giờ tôi thấy nó thiệt quá; ở với gia đình cái bụng không phải lo, nhưng khi học gặp bài khó không biết hỏi ai. Giá mà ngày ấy tôi mạnh dạn “ bớt thương nó” cho vào ở ký túc xá thì bây giờ chắc khá nhiều…mấy đứa bạn cùng lớp dân nông thôn Thái Bình, Nam Hà nhà khó khăn ở nội trú, thỉnh thoảng vào chơi, đói “gợi ý nấu mì tôm” thì học xong được giữ lại Trường, bây giờ đang đi làm NCS nước ngoài, bên châu Âu thì phải. Tôi nghĩ mình đã quyết định sai lầm khi đó để thằng con trai ngoại trú. 

            Thế là rất tự nhiên các câu chuyện đều hướng vào thời cùng ở ký túc xá ngày ấy. Hồi đó lớp K9MA chúng tôi được nhà trường phân cho ở 7 phòng tại tầng 1 Nhà A7 bây giờ, mỗi phòng 8 người, trang  thiết bị gồm 4 giường tầng, 02 bóng điện sợi đốt dùng chung; phòng nào có anh em con cán bộ ở thành thị, kinh tế khá giả có thêm thước tính Logarit thì cả phòng đó sướng “vênh mặt”, vì được nhờ thước tính (ngày đó chưa có máy tính bỏ túi như bây giờ)… Cả khu ký túc xá toàn trường có 01 Vô tuyến điện tử đen trắng, 32 inches nhãn hiệu Ba Lan, đặt trước sân A6 do anh Gan nhân viên bảo vệ kiêm quản lý, mở theo giờ quy định, trước khi bật phải vỗ mấy cái TV mới chạy. Thế mà người xem cứ đông nghịt. Trong phòng ở có hai thứ cần giữ là Phiếu ăn và sách giáo khoa; mất hai thứ này thì khó mà ngồi yên. Thời gian biểu trong một ngày thì xếp chặt từ 5.45’ đến 23.00’: ăn sáng, lên lớp, ăn trưa, ngủ trưa, tự học buổi chiều, ăn tối, xem vô tuyến hoặc đi quán uống nước chè, tự học đến 23.00’, có phòng truy bài, tranh cãi đến quá 12.00’ nhân viên bảo vệ tưởng đánh nhau đến dẹp…Trong phòng ở anh em coi nhau như anh em, vui, buồn; ai học yếu, học chắc, học giỏi… ai đi thi hôm nay chắc chắn là trượt; ai nhớ nhiều từ mới tiếng Nga nhất… hồi đó trong giờ học tiếng Nga, tôi được mệnh danh là cây từ điển sống; mặc dù trước khi vào học năm thứ nhất không biết một từ mới tiếng Nga bẻ đôi. Anh em chúng tôi sau khi ôn lại những mẩu chuyện cũ thời sinh viên, có chuyện cười ra nước mắt, đến giờ sau hơn 30 năm ra công tác gặp lại và đều thừa nhận, chính giai đoạn học đại học ở nội trú trong ký túc xá, ăn ở theo tổ, lớp, khóa, một phần ba buổi tối là học bằng đèn dầu ma rút do thiếu điện, là kỷ niệm không bao giờ quên. Ở trong ký túc anh em có điều  kiện hàng ngày gần gũi, cùng học, trao đổi, tranh luận… quan tâm đến nhau như anh em, động viên giúp đỡ nhau không ngừng vươn lên trong học tập. Như vậy ký túc xá ngày ấy của Nhà trường chính là một cái nôi đào tạo con người thành đạt ngày hôm nay.

            Bây giờ có dịp trở lại trường, ngắm nhìn Nhà trường đổi thay, anh em mừng lắm. Đặc biệt khi đi qua khu ký túc xá mới K1, K2… K6; các bác sững sờ, nhiều anh em không tin, đã đến tận nơi, đi từ tầng 1 đến tầng 5; mấy bác tò mò còn bước thử để ướm tính diện tích ở trên đầu sinh viên; có bác còn đi thẳng vào phòng tắm, phòng WC rồi lắc đầu: thế này các cháu ở hơn ở nhà mình rồi, sướng thật!

            Qua câu chuyện rất đời thường thời sinh viên, thời các thầy học ở nội trú trong ký túc xá nhà trường; mặc dù điều kiện ăn, ở học tập rất thiếu thốn, tiện nghi ở mức rất thấp; thế nhưng chất lượng đào tạo có thể nói là tốt, mức độ sàng lọc khoảng 70%. Tốt nghiệp ra trường nhiều người thành đạt, là kỹ sư giỏi, là nhà khoa học danh tiếng, nhà quản lý giỏi. Có được kết quả trên chính là nhờ được học tập, rèn luyện ở mái trường ĐHKT Công nghiệp, trong đó ký túc xá là cái nôi ươm tạo. Một môi trường tập thể lý tưởng để con người có thể cùng học tập cùng chia sẻ mà đến tận bây giờ nhiều nhà lý luận mới đề cập đến vấn đề con người phải có khả năng chung sống và cùng phối hợp làm việc. Vì thế các em sinh viên còn đang ở ngoại trú nhất là sinh viên năm thứ nhất, thứ hai hãy đừng bỏ lỡ cơ hội. Môi trường học tập trong khu sinh viên nội trú của nhà trường K1, K2.. K6. sẽ là địa chỉ lý tưởng cho các em học tập theo hình thức đào tạo theo tín chỉ; ở đây việc xây dựng mô hình Học theo nhóm, hoặc Làm việc theo nhóm sẽ là lý tưởng; chưa kể ngoài giờ học các em được tận hưởng những điều thú vị của “Công viên xanh” lung linh ánh điện đầy sắc mầu trước đài phun nước. Những sinh viên còn băn khoăn, do dự chưa tự quyết định có thể một ngày nào đó sẽ lại nuối tiếc như câu chuyện của một bác cựu sinh viên K9 vừa kể ở trên về con trai của mình.

Tin mới hơn

Tin cũ hơn