Báo cáo số 57 - BC/ĐU của Đảng ủy ĐHTN ngày 23/04/2014 về Kết quả việc thực hiện Đề án số 04 - ĐA/TU ngày 20/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

 

ĐẢNG BỘ TỈNH THÁI NGUYÊN

ĐẢNG UỶ ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

*

Số:  57- BC/ĐU 

 

     ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

      Thái Nguyên, ngày  23  tháng 4  năm 2014

 

BÁO CÁO

Kết quả việc thực hiện Đề án số 04 - ĐA/TU  ngày 20/5/2011

của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp  tục đổi mới công tác dân vận

của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân giai đoạn 2011-2015”

 

 

Thực hiện Kế hoạch số 67-KH/TU ngày 28/3/2014 của Tỉnh uỷ về việc kiểm tra việc thực hiện Đề án 04-ĐA/TU, ngày 20/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp  tục đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân giai đoạn 2011-2015”, Đảng ủy Đại học Thái Nguyên báo cáo kết quả như sau:

I. Khái quát đặc điểm tình hình của đơn vị

Đại học Thái Nguyên là Đại học vùng, đa ngành, đa lĩnh vực được thành lập ngày 04 tháng 4 năm 1994 theo Nghị định số 31/CP của Chính phủ. Cùng với việc thành lập Đại học, hệ thống chính trị trong Đại học bao gồm các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội cũng được thành lập trên cơ sở các trường thành viên, các đơn vị trực thuộc và Khối Cơ quan Đại học Thái Nguyên.

Đảng bộ Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) hiện có 13 Chi bộ, Đảng bộ cơ sở với 179 chi bộ trực thuộc các Đảng bộ cơ sở. Số đảng viên (tính đến tháng 01/2014) là 3.061 đồng chí, trong đó có 2.530 đảng viên chính thức và 531 đảng viên dự bị. Số đảng viên là CBVC: 2.196 đồng chí; số đảng viên là HSSV: 865 đồng chí.

II. Việc triển khai kế hoạch kiểm tra số 67-KH/TU ngày 28/3/2014 của Tỉnh uỷ

Sau khi nhận được Kế hoạch số 67-KH/TU ngày 28/3/2014 của Tỉnh uỷ, Đảng ủy ĐHTN đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 26-KH/ĐU ngày 08/4/2014 tới các Đảng ủy, Chi ủy cơ sở. Trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng và thời gian kiểm tra.

 13/13 Đảng bộ, Chi bộ cơ sở đã tiến hành tự kiểm tra và báo cáo kết quả về Đảng ủy ĐHTN. Qua kết quả tự kiểm tra cho thấy, các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở đều nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện Đề án 04-ĐA/TU, ngày 20/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp  tục đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân giai đoạn 2011-2015” đảm bảo thiết thực, cụ thể, gắn với tình hình, nhiệm vụ của đơn vị.

III. Những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện Đề án

1. Thuận lợi

Đảng bộ ĐHTN luôn được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp và hết sức sát sao của Tỉnh ủy Thái Nguyên và các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Các cấp uỷ Đảng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tốt đường lối, chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; thường xuyên quan tâm xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Các tổ chức Đảng trong Đại học đều giữ được nguyên tắc kỷ cương, nề nếp trong sinh hoạt Đảng.

Đảng viên trong Đảng bộ có trình độ chuyên môn cao; tuyệt đại bộ phận đảng viên có ý thức chính trị tốt, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giữ được phẩm chất, tư cách đạo đức; nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác, hoàn thành và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

2. Khó khăn

Mô hình ĐHTN là mô hình mới còn đang được tiếp tục hoàn chỉnh nên còn khó khăn trong các hoạt động chung, trong đó có công tác Đảng.

Cán bộ làm công tác Đảng đa số là kiêm nhiệm nên một số nội dung trong công tác Đảng triển khai còn chậm so với kế hoạch thời gian.

Quy mô địa bàn quản lý của Đại học rất rộng; số lượng cán bộ viên chức, đảng viên và học sinh, sinh viên có xuất xứ từ nhiều địa phương trên cả nước.

IV. Kết quả thực hiện Đề án

1. Công tác quán triệt, triển khai, kiện toàn Ban chỉ đạo Đề án

Để triển khai Đề án 04 ngày 20/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, BTV Đảng ủy ĐHTN đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ của ĐHTN tại Quyết định số 29-QĐ/TV ngày 11/6/2011 gồm 06 đ/c do đồng chí Trần Viết Khanh – Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Dân vận làm Trưởng Ban và Tổ thư ký giúp việc. Ban Chỉ đạo đã xây dựng quy chế hoạt động, phân công công việc cho từng thành viên.

Để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện Đề án, BTV Đảng ủy ĐHTN tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổ thư ký tại Quyết định số 208 ngày 19/2/2014. Phân công đồng chí Trần Viết Khanh – Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Dân vận tiếp tục làm Trưởng Ban chỉ đạo.

2. Kết quả thực hiện Đề án

2.1. Ban chỉ đạo đã bám sát Đề án số 04-ĐA/TU của Tỉnh ủy để xây dựng Quy chế, kế hoạch thực hiện Đề án và đã triển khai tới các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở, các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh, Hội sinh viên).

Việc lãnh đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nội dung của Đề án số 04-ĐA/TU đến các đơn vị cơ sở cơ sở, các tổ chức đoàn thể còn được thông qua nghị quyết quý, và năm của Đảng ủy. Thông qua đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, và các tổ chức đoàn thể đối với việc thực hiện Đề án.

 2.2. Ban Dân vận của Đảng uỷ ĐHTN đã chỉ đạo tốt công tác dân vận tới các đơn vị cơ sở. Hệ thống dân vận cơ sở hoạt động ngày càng có hiệu quả; tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trọng tâm là quán triệt, triển khai các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, các Chỉ thị Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các Chỉ thị Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về công tác dân vận và Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị về công tác dân vận của hệ thống chính trị; công tác dân tộc, tôn giáo… tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tại đơn mình.

Việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được Đảng bộ ĐHTN thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Đề án 08 của Tỉnh ủy. Để triển khai Đề án 08 ngày 23/8/2011 của Tỉnh ủy. Các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở đều thành lập các Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo nhiệm kỳ mới của cấp ủy các cấp. Sau thành lập có xây dựng quy chế hoạt động, chương trình kế hoạch làm việc. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Đảng ủy và Ban Giám đốc đã tích cực chỉ đạo các Ban chức năng của ĐHTN xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn hoạt động của từng lĩnh vực công tác như: Đào tạo, Khoa học Công nghệ, Quan hệ Quốc tế, Quản lý sinh viên, Thanh tra - Khảo thí & Đảm bảo chất lượng giáo dục, Tổ chức cán bộ, Tài chính, Quản lý cơ sở vật chất, Thi đua - Khen thưởng…; quy chế hoạt động của BCH Đảng bộ; quy chế hoạt động của các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Cựu Chiến binh). Hệ thống các văn bản này luôn được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của ĐHTN và là cơ sở đảm bảo cho các hoạt động của ĐHTN được dân chủ, minh bạch. Hàng năm, Cơ quan ĐHTN, các trường thành viên, các đơn vị trực thuộc đều xây dựng và điều chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ cho phù hợp với tình hình thực tế. Việc ban hành quy chế chi tiêu nội bộ đã làm lành mạnh và công khai hóa mọi hoạt động quản lý tài chính của các đơn vị.

Định kỳ, Đảng ủy họp, ra Nghị quyết Đảng theo quý, năm và triển khai tới tất cả các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở để mọi cán bộ, đảng viên được biết và triển khai thực hiện; công khai hoá tất cả các hoạt động của ĐHTN và các tổ chức đoàn thể. Thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, quy định, chế độ, quy định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của CBVC, như: tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, xử lý kỷ luật cán bộ, nâng lương, khen thưởng, đi học...

Ban Dân vận ĐHTN đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức 02 lớp tập huấn về công tác dân vận của chính quyền và thực hiện QCDC ở cơ sở cho 414 cán bộ chủ chốt của Đại học Thái Nguyên, các trường thành viên và các đơn vị trực thuộc. Thông qua đó nâng cao nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt. 

Việc tăng cường công tác dân vận của các cấp; thể chế hóa cơ chế phối hợp giữa chính quyền các cấp với Ban Dân vận và các tổ chức đoàn thể nhân dân, bảo đảm cho các tổ chức đoàn thể hoạt động có hiệu quả được triển khai nghiêm túc. Đảng ủy, Ban Giám đốc của ĐHTN chỉ đạo các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Hội CCB, Đoàn TN, Hội SV) xây dựng quy chế phối hợp và định kỳ kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện. Các tổ chức Đảng, đoàn thể thuộc ĐHTN và các tổ chức Đảng, đoàn thể thuộc các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Cựu chiến binh) đều được kiện toàn, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị; đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với các tổ chức đoàn thể. Hàng quý, 1 năm, Đảng ủy đều có kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo của các tổ chức đoàn thể. 

2.3. Đảng uỷ, Ban Giám đốc ĐHTN thường xuyên quan tâm chỉ đạo sát sao hoạt động của Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Cựu chiến binh; tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí để các tổ chức đoàn thể hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, Ban giám đốc ĐHTN, các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Đoàn TN, Hội sinh viên, Hội Cựu chiến binh) đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và triển khai tốt các công việc được giao; đồng thời luôn bám sát sự chỉ đạo của các tổ chức đoàn thể cấp trên để xây dựng các chương trình hành động, triển khai kịp thời và có hiệu quả các kế hoạch do cấp trên phát động.

Tổ chức sơ kết, tổng kết các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận nghiêm túc, đúng yêu cầu của Tỉnh ủy. Chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến công tác tôn giáo của Đề án 04-ĐA/TU tại các đơn vị. Chỉ đạo các Đảng ủy, Chi ủy cơ sở thực hiện nghiêm túc Kết luận số 57-KL/TW của Bộ chính trị, Kết luận số 58-KL/TW và Kết luận số 08-KL/TW Ban Bí thư; tạo điều kiện cho đảng viên là người có đạo được tham gia sinh hoạt tôn giáo theo quy định; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và các quyền của đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng; tham gia các hình thức sinh hoạt tôn giáo được pháp luật cho phép hoạt động, không có trường hợp cản trở, ngăn cấm, phân biệt đối xử với đảng viên là người có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao giác ngộ về Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đảng viên là người có đạo. 

Phối hợp với Đảng ủy ĐHTN, các cấp ủy, chính quyền cơ sở đã theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên là người có đạo kịp thời; trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đã tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc; tôn trọng và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo.

2.4. Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHTN quan tâm xây dựng và chỉ đạo các đơn vị cơ sở nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận và các tổ chức đoàn thể. Hàng năm đều tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ làm công tác dân vận và các tổ chức đoàn thể nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bộ máy tổ chức cán bộ Ban Dân vận, các tổ chức đoàn thể của ĐHTN và các đơn vị cơ sở được kiện toàn đầy đủ và kịp thời.  

Các tổ chức đoàn thể hoạt động có chất lượng và đạt hiệu quả cao. Cụ thể:

Công đoàn đã triển khai nhiều cuộc vận động và phong trào thi đua của CBVC và người lao động nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của đơn vị và nghĩa vụ xã hội; tham gia tích cực vào việc xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể hóa và tiếp tục đẩy mạnh triển khai các cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Bộ Chính trị phát động, cuộc vận đông "Hai không" trong giáo dục, "Mỗi thày, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" do Bộ GD&ĐT phát động. Công đoàn đóng vai trò chính trong các cuộc vận động “Dân chủ kỷ cương tình thương trách nhiệm”, các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đặc biệt là các phong trào từ thiện, nhân đạo, như: quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, người nghèo, vùng sâu, vùng xa, trẻ em bị thiệt thòi, nạn nhân chất độc da cam, xây nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa... Các cuộc vận động và các phong trào do Công đoàn phát động đã thu hút được hàng nghìn CBVC và lao động tham gia, tạo ra một phong trào thi đua rộng khắp trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đóng góp được hàng  tỷ đồng, hàng nghìn bộ quần áo, hàng chục nghìn cuốn sách... để kịp thời ủng hộ những địa chỉ cần sự giúp đỡ. 

Đoàn thanh niên làm tốt vai trò tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cho thế hệ trẻ, là nòng cốt trong phong trào tình nguyện của đoàn viên, thanh niên, phong trào học tập "Vì ngày mai lập nghiệp", các phong trào từ thiện, nhân đạo, xã hội. Nhiều phong trào hoạt động của Đoàn thanh niên đã mang lại kết quả thiết thực, được xã hội và nhân dân đánh giá cao, như: Phong trào tình nguyên giúp đỡ các xã, huyện nghèo đặc biệt khó khăn, phong trào tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo…phong trào thanh niên “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thanh niên “Học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp",  thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ ngoại ngữ...Đoàn thanh niên còn là hạt nhân trong các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, mang lại một sức sống mới trong đời sống HSSV. Các phong trào do Đoàn thanh niên phát động và tổ chức đã thu hút hàng chục nghìn đoàn viên, thanh niên, HSSV tham gia với khí thế sôi nổi, tạo ra một sức mạnh to lớn về vật chất và tinh thần, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, và góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn Đại học.

Hội CCB các cấp đã làm tốt vai trò đoàn kết vận động cựu chiến binh phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội cụ Hồ"; tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và xây dựng khối đại đoàn kết trong Đại học. Trong những năm qua, các cấp Hội trong toàn Đại học đã tích cực tham mưu cho Đảng ủy các cấp trong việc xây dựng và triển khai chủ trương, chính sách, như công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý các cấp, thực hiện quy chế dân chủ...; làm tốt công tác vận động hội viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tích cực tham gia học tập, nghiên cứu khoa học, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của đơn vị, địa phương; chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho các hội viên; tham gia vào hoạt động nhân đạo, từ thiện, như chương trình "Nghĩa tình đồng đội" nhằm ủng hộ giúp đỡ, xây nhà cho các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn...; đã xây dựng chương trình phối hợp với Đoàn thanh niên trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ...

Kết quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể (từ 5/2011 đến 4/2014) đã tạo một phong trào thi đua rộng khắp với sự tham gia của hàng chục nghìn CBVC, lao động, HSSV, diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực công tác của toàn Đại học, đã tạo ra một lực lượng vật chất và tinh thần to lớn, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đại học và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tính riêng giá trị vật chất ủng hộ cho các chương trình từ thiện, nhân đạo là 6 tỷ 247 triệu đồng; 8.780 sinh viên tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi” và tình nguyện tại địa phương; trao 17.000 xuất ăn và nước uống miễn phí và 5.300 chỗ ở miễn phí và giá rẻ cho thí sinh dự thi đại học, cao đẳng; tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 650 người; tổ chức tặng 14.500 cuốn sách, 1.700 bộ quần áo cho sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; hiến được 9.662 đơn vị máu.

Từ năm 2011 đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Hội Cựu chiến binh liên tục được công nhận là tổ chức “Vững mạnh”, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của Liên đoàn lao động tỉnh, Công đoàn ngành giáo dục, Trung ương Hội CCB Việt Nam, Tỉnh đoàn Thái Nguyên và Trung ương Đoàn TNCSHCM.

Công đoàn được trao tặng: 01 Bằng khen của Bộ GD&ĐT; 11 Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam; 01 Bằng khen của LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên.

Đoàn Thanh niên CSHCM được trao tặng: 04 cờ của Trung ương Đoàn; 04 Bằng khen của Trung ương Đoàn; 03 cờ của Tỉnh đoàn.

Hội Cựu chiến binh được trao tặng: 01 Bằng khen của Hội CCB Việt Nam, 02 Bằng khen của Hội CCB tỉnh Thái Nguyên.

2.5. Đảng ủy ĐHTN luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã từng bước mang lại hiệu quả thiết thực; góp phần nâng cao trách nhiệm của CBVC trong việc giám sát, tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ các Đảng ủy, Chi ủy cơ sở; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Quan tâm gắn công tác dân vận với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; quan tâm nâng cao chất lượng, định hướng lãnh đạo cũng như việc ban hành các chủ trương nghị quyết theo hướng chọn lọc đúng các vấn đề thực tế đòi hỏi. Trên cơ sở thực hiện đúng nội dung, tham khảo rộng rãi các ý kiến, phát huy trí tuệ tập thể nhằm ban hành chủ trương nghị quyết đảm bảo tính thiết thực, cụ thể, đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong đơn vị.

Thường xuyên chỉ đạo các trường thành viên, các đơn vị trực thuộc mở rộng dân chủ trong sinh hoạt của các cấp ủy và tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể; chú ý các hoạt động giao ban, tọa đàm, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa cán bộ chủ chốt với đảng viên, đoàn viên, hội viên và HSSV. Hàng năm, các trường thành viên, các đơn vị trực thuộc đều nghiêm túc tổ chức Hội nghị cán bộ viên chức các cấp. Tại các hội nghị viên chức, Hiệu trưởng, thủ trưởng các đơn vị đã trực tiếp đối thoại với cán bộ viên chức và người lao động (CBVC, NLĐ) để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, đồng thời trả lời những thắc mắc của CBVC, NLĐ về những hoạt động của nhà trường, đơn vị cũng như việc thực hiện những chính sách với người lao động. Thiết lập và duy trì các hộp thư góp ý của cán bộ, viên chức, của khách đến làm việc và của học sinh sinh viên trong mỗi cơ quan, đơn vị. Một số đơn vị hình thành hộp thư điện tử nhận góp ý từ cán bộ, viên chức, người lao động và sinh viên, trả lời công khai của lãnh đạo và các bộ phận chức năng liên quan.

2.6. Việc nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp, đánh giá hoạt động của các Hội quần chúng, hội nghề nghiệp, các câu lạc bộ, Ban liên lạc…được đánh giá trong các báo cáo quý và năm của các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở. Các văn bản, chính sách lãnh đạo và quản lý theo Chỉ thị số 17 ngày 28 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng” và Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 23/5/2013 về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội quần chúng” được triển khai tới các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở.

3. Đánh giá chung

Việc thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU của Tỉnh ủy Thái Nguyên được Đảng bộ ĐHTN triển khai nghiêm túc, có hiệu quả. Công tác dân vận của Đảng bộ ĐHTN trong những năm qua tiếp tục có chuyển biến tích cực, hiệu quả rõ nét hơn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị trong toàn Đảng bộ. Nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận của các Đảng uỷ cơ sở trong hệ thống chính trị được nâng lên. Các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở đã tăng cường lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận, với phương châm sát với CBVC, hướng về cơ sở, lắng nghe ý kiến CBVC và giải quyết những kiến nghị của CBVC, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chính quyền các cấp đã chú trọng tuyên truyền vận động CBVC, HSSV trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các tổ chức đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát nhiệm vụ chính trị của Đại học, quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và CBVC; Hệ thống dân vận của Đảng bộ ĐHTN và Đảng bộ, Chi bộ cơ sở ngày càng phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác vận động quần chúng.

* Những tồn tại, hạn chế

Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án ở một số cấp uỷ có lúc còn chậm, thiếu chủ động. Việc sơ kết Đề án còn chưa kịp thời.

Thiếu kiểm tra đôn đốc trong việc đánh giá thực hiện nghị quyết nhất là các nghị quyết chuyên đề lãnh đạo chỉ đạo hoạt động của các tổ chức đoàn thể cơ sở.

* Nguyên nhân

Trình độ, năng lực nghiệp vụ công tác dân vận của đội ngũ cán bộ còn hạn chế. Kiến thức về công tác dân vận, kỹ năng, thói quen làm công tác dân vận chưa được coi là kỹ năng công tác của mọi cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp.

Hoạt động của một số Ban Chỉ đạo cơ sở thực hiện Đề án chưa thường xuyên, trách nhiệm của một số thành viên chưa cao.

V. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo Trung ương và Tỉnh ủy về tăng cường công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tình hình mới.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và áp dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy về tăng cường công tác dân vận.

 Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng để giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất cũng như những vướng mắc, phát sinh liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của cán bộ, viên chức, HSSV ngay từ cơ sở.

Tiến hành tốt việc tiếp dân theo đúng quy định, Quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị. Đổi mới phương thức vận động và tập hợp quần chúng trong các cấp chính quyền tập trung hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với CBVC, HSSV để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các  hành vi sách nhiễu, xâm phạm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của CBVC, HSSV giải quyết một số vấn đề bức xúc của CBVC, HSSV.

Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động, giám sát và tổ chức phong trào thi đua yêu nước trong tầng lớp CBVC và HSSV.

Có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân vận, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Hội CCB, Công đoàn.

 

Nơi nhận:

- BCĐ Đề án 04 của Tỉnh ủy;

- BDV Tỉnh ủy;

- BDV Các Đảng ủy, Chi ủy cơ sở;

-  Lưu VPĐU.

 

T/M BAN THƯỜNG VỤ

PHÓ BÍ THƯ

KIÊM TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN 04

 

Đã ký

 

 

Trần Viết Khanh

 

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn