Chương trình hành động số 01- CTr/BDVTU ngày 29/08/2011 của Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên

 

TỈNH ỦY THÁI NGUYÊN

BAN DÂN VẬN

*

Số 01 - CTr/BDVTU

 

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

Thái Nguyên, ngày 29  tháng 8  năm 2011

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVIII về công tác dân vận

 

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, với mục tiêu: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào trước năm 2020. Với tinh thần chủ động, sáng tạo đưa nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức chính trị, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm huy động và khai thác các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thực hiện có hiệu quả 5 chương trình, 16 đề án, 45 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2011 -2015; vượt qua khó khăn, thách thức tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

2.  Xác định việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội Đảng các cấp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể và quần chúng nhân dân.

3. Tăng cường công tác dân vận trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong công tác vận động quần chúng, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong hệ thống chính trị, đảm bảo làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

4. Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, động viên quần chúng nhân dân tích cực lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.

II. NỘI DUNG TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

1.1. Thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy đảng trong công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở trong sạch, vững mạnh.

1.2. Thường xuyên nắm chắc tình hình diễn biến về tư tưởng, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết các vấn đề mới, phức tạp nảy sinh từ cơ sở. Đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; vấn đề chế độ chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo…

         1.3. Nghiên cứu, tham mưu các giải pháp nhằm tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân trong thời kỳ mới. Phối hợp tham mưu để sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của trung ương, của tỉnh về công tác vận động quần chúng, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm trong việc xây dựng, ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

         1.4. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân theo tinh thần Kết luận 62-KL/TW, ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tập hợp, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; tăng cường chức năng giám sát và phản biện xã hội.

         1.5.  Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở tất cả các cấp, ngành, các lĩnh vực xã hội; nghiên cứu, đánh giá thực trạng mô hình “dân vận khéo” ở cơ sở,  nhân rộng những mô hình có hiệu quả, nêu gương điển hình.

         1.6. Tập trung nghiên cứu các đề án về công tác dân vận có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của địa phương, đặc biệt đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết tốt những tồn tại, bất cập đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng việc tổ chức thực hiện tốt Đề án số 04 – ĐA/TU ngày 20/5/2011 về “Tiếp tục đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, giai đoạn 2011 – 2015”.

1.7. Tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn về công tác dân vận; nâng cao chất lượng các lớp tập huấn cho cán bộ dân vận trong hệ thống chính trị nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vững vàng về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị và có trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

1.8. Phối hợp tham mưu việc cụ thể hóa cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

2. Tham mưu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận của các cấp ủy đảng và chính quyền

            2.1. Tham mưu công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Quyết định 393-QĐ/TU ngày 27/6/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh” theo tinh thần Quyết định 290-QĐ/TW ngày 25//02/2010 của Bộ Chính trị; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành về vị trí, vai trò của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay, nhất là công tác dân vận chính quyền trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

    2.2. Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết về công tác vận động quần chúng; việc thực hiện quy chế dân chủ trong hệ thống chính trị của tỉnh, trong các loại hình doanh nghiệp. Đặc biệt là việc thực hiện Đề án 08 – ĐA/TU ngày 23/8/2011 của Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả  thực hiện Quy chế dân chủ  ở cơ sở giai đoạn 2011 - 2015”. Chú trọng việc tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền thực hiện tốt công tác cải cách hành chính (trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại với công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và vận động, giáo dục nâng cao trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước), phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân, đặc biệt là vai trò làm chủ của nhân dân trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải gần dân; lắng nghe ý kiến của dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.Vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện các quy chế, quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện hương ước, quy ước ở xóm, tổ dân phố. 

2.3. Tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền: Các cấp chính quyền cần rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách, cải thiện năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng, công khai, minh bạch để vận động các nguồn lực từ nhân dân nói chung, các nhà doanh nghiệp nói riêng đầu tư phát triển, khuyến khích đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh. Tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư từ các địa phương trong nước và nhà đầu tư từ nước ngoài. Vận động doanh nghiệp đầu tư, đổi mới thiết bị tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh công tác khuyến công theo hướng xã hội hóa. Vận động các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như: luyện kim, khai khoáng, cơ khí chế tạo, năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản; tham gia đầu tư vào các hoạt động thương mại du lịch, đa dạng hóa dịch vụ thương mại; vận động, xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực có thế mạnh của tỉnh như chè, thép, sản phẩm may mặc….

Vận động nhân dân tích cực hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới; hưởng ứng Festival Trà Quốc tế lần thứ nhất tại Thái Nguyên; phát triển sản xuất. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết TW7 (khóa X). Vận động, nâng cao nhận thức và tính chủ động của toàn xã hội về bảo vệ môi trường. Huy động các nguồn lực, đặc biệt là đẩy mạnh xã hội hóa trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó coi trọng hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị mới.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Vận động, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, cán bộ khoa học công nghệ…

Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, xã hội hóa công tác xóa đói giảm nghèo. Có cơ chế tự giúp và cứu trợ xã hội. Nâng cao chất lượng công tác y tế và dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thực hiện nghiêm chính sách và pháp luật dân số. Xây dựng nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chủ động nắm bắt, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

3. Tăng cường tham mưu công tác dân vận trong các lực lượng vũ trang

3.1. Nắm vững đường lối của Đảng về yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, công chức và nhân dân; đề cao ý thức cảnh giác cách mạng trong việc thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

            3.2. Làm tốt công tác dân vận trong lực lượng vũ trang, tổ chức tốt các đợt hành quân dã ngoại, các tổ, đội làm công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất; bám sát dân, bám sát địa bàn, nắm bắt tình hình nhân dân nhất là những nơi có diễn biến phức tạp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.

            3.3. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước như: Phong trào toàn dân bảo vệ  an ninh Tổ quốc; Ngày hội quốc phòng toàn dân; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan ban, ngành xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động.

4. Nâng cao chất lượng tham mưu về công tác dân tộc

4.1. Phối hợp tham mưu công tác tuyên truyền vận động và tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt các giải pháp nâng cao trình độ dân trí; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nguồn cho cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân.

4.2. Phối hợp tham mưu việc xây dựng, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số.

4.3. Phối hợp tham mưu vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt công tác định canh, định cư; vận động nhân dân bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản và môi trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

4.4. Vận động nhân dân tích cực góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị, tăng cường an ninh - quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

4.5. Tổ chức các hoạt động nhằm biểu dương, khuyến khích, động viên các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Nâng cao chất lượng tham mưu về công tác tôn giáo

5.1. Phối hợp tham mưu tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

5.2. Vận động các chức sắc, đồng bào tôn giáo thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý đất đai (quản lý quy hoạch, sử dụng, giải quyết khiếu kiện về đất đai, cấp quyền sử dụng đất…).

5.3. Chủ động nắm và phối hợp tham mưu, giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động tôn giáo, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật như: việc phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc tôn giáo; hoạt động của các dòng tu, các Ban hộ tự, Ban hành giáo; việc xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, về chia tách, sáp nhập, các tổ chức tôn giáo ở cơ sở; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tôn giáo; nắm tình hình nội bộ các tổ chức tôn giáo. Từ đó, tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề, tình hình có liên quan đến tôn giáo; đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các tà đạo, tình hình lợi dụng khiếu kiện gây phức tạp về an ninh, chính trị xã hội trên địa bàn.

 5.4. Phối hợp tham mưu công tác đào tạo, xây dựng lâu dài đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác tôn giáo; làm tốt công tác xây dựng lực lượng cốt cán trong các tôn giáo; thường xuyên tổng kết, biểu dương và ghi nhận các chức sắc, chức việc và các tín đồ tiêu biểu trong việc thực hiện các cuộc vận động các phong trào thi đua yêu nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở Quyết định 393 -QĐ/TU ngày 27/6/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh” theo tinh thần Quyết định 290-QĐ/TW ngày 25//02/2010 của Bộ Chính trị, đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành, thị ủy và các đảng ủy trực thuộc phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng bộ Tỉnh trong tình hình mới.

2. Trên cơ sở Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và chương trình hành động này, Ban Dân vận các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy đảng xây dựng Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận của cấp mình.

3. Ban Dân vận các cấp giúp cấp ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện chương trình hành động này, trong đó tập trung tham mưu về công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định 393 -QĐ/TU về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên, 02 đề án  của Tỉnh ủy về công tác dân vận và việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, công tác dân vận chính quyền làm khâu đột phá trong công tác dân vận của Đảng.

Trên đây là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII về công tác dân vận. Trong quá trình thực hiện Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để có hướng dẫn, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.  

Nơi nhận:                                                                 

- Ban Dân vận Trung ương (b/c);

- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);

- Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh (P/h);                                                     

- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh;

- Thường trực các huyện, thành, thị ủy và các Đảng ủy trực thuộc;

- Ban Dân vận các huyện, thành, thị ủy;

- Lưu VT.

TRƯỞNG BAN

 

 

 

 

 

 

Phùng Đình Thiệu

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn