Hướng dẫn số 12 - HD/BDVTU của ban Dân vận tỉnh ủy Thái Nguyên ngày 05/04/2012

 

   TỈNH ỦY THÁI NGUYÊN

BAN DÂN VẬN

*

Số 12-HD/BDVTU 

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Thái Nguyên, ngày 05 tháng 04  năm 2012

 

HƯỚNG DẪN

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”

 

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; căn cứ Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 24/02/2012; Kế hoạch số 08-KH/TW, ngày 02/3/2012 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết; Hướng dẫn số 95-HD/BDVTW, ngày 13/3/2012 của Ban Dân vận Trung ương về Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Kế hoạch số 16-KH/TU, ngày 03/4/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về thực hiện Nghị quyết, Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên xây dựng Hướng dẫn tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững ý nghĩa, nội dung cơ bản và tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm xây dựng Đảng, củng cố niềm tin, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác Đảng.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; động viên các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

- Triển khai thực hiện Nghị quyết đảm bảo đúng nguyên tắc, nội dung, phương pháp, quy trình, chất lượng, tiến độ; không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

II. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt

1.1. Cấp tỉnh

- Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết và thảo luận thống nhất phương pháp tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý xây dựng Đảng của các tầng lớp nhân dân, thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

- Nội dung hội nghị quán triệt Nghị quyết:

+ Phổ biến quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết.

+ Phổ biến Kế hoạch số 16-KH/TU, ngày 03/4/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.

+ Phổ biến Hướng dẫn kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Kế hoạch thực hiện Quy định Hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng của Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Hướng dẫn thực hiện “Quy định về những điều đảng viên không được làm” của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Dân vận Tỉnh ủy.

+ Thảo luận quán triệt Chỉ thị, Kế hoạch, Hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các ban đảng của Tỉnh uỷ; Hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết; thảo luận thống nhất phương pháp tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý xây dựng Đảng của các tầng lớp nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

- Thành phần: Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy viên Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; lãnh đạo các hội đặc thù, trưởng phó các ban thuộc MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh; đại biểu đại diện trí thức, doanh nhân, dân tộc thiểu số, tôn giáo.

- Thời gian thực hiện: Tháng 4/2012.

- Nội dung, tài liệu, báo cáo viên:  Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

1.2. Ban Dân vận các huyện và các Đảng ủy trực thuộc

Ban Dân vận huyện ủy chủ trì phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết và thảo luận thống nhất phương pháp tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý xây dựng Đảng của các tầng lớp nhân dân, thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở huyện.

- Thành phần: Ủy viên thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy viên Ban Thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hội, lãnh đạo các hội đặc thù, đại biểu đại diện trí thức, doanh nhân, dân tộc thiểu số, tôn giáo ở huyện (tuỳ điều kiện cụ thể cấp uỷ huyện có thể mở rộng thêm thành phần hội nghị).

- Thời gian thực hiện: Tháng 4/2012.

- Nội dung, tài liệu, báo cáo viên: Phối hợp với Ban Tuyên giáo cấp ủy.

1.3. Cấp xã, phường, thị trấn và cơ sở

Khối dân vận xã, phường, thị trấn tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Cấp ủy cơ sở chỉ đạo các đoàn thể chính trị - xã hội trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp... trên địa bàn tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết đến đoàn viên, hội viên và người lao động trong cơ quan, đơn vị.

- Thời gian thực hiện: Tháng 5/2012

- Nội dung, tài liệu, báo cáo viên: Phối hợp với Ban Tuyên giáo cấp ủy.

2. Hướng dẫn tổ chức hội nghị góp ý xây dựng Đảng

Hội nghị góp ý tham gia xây dựng Đảng được tiến hành sau hội nghị quán triệt Nghị quyết. Đây là việc làm đầu tiên, hết sức quan trọng về công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, việc tổ chức hội nghị cần phải được chuẩn bị chu đáo, có kế hoạch cụ thể; phải thực sự tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý tham gia xây dựng Đảng của các tầng lớp nhân dân. Trước khi các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, cần quán triệt kỹ 3 nội dung cấp bách đã nêu trong Nghị quyết, trong đó, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

2.1. Cơ quan chủ trì tổ chức hội nghị

- Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp chủ trì phối hợp với Ủy ban kiểm tra, các ban đảng, văn phòng cấp ủy cùng cấp tổ chức hội nghị tham gia góp ý xây dựng Đảng.

2.2. Nội dung góp ý xây dựng Đảng

Tập trung bám sát 3 nội dung kiểm điểm đã được nêu rõ trong Nghị quyết và Chỉ thị số 15 – CT/TW của Bộ Chính trị, cụ thể là:

1. Về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, của từng đảng viên, của người đứng đầu về tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái.

2. Những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí cán bộ; tình trạng một số trường hợp bố trí cán bộ không đúng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, quản lý, sự phát triển của ngành, địa phương.

3. Những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là người đứng đầu.

Trong 3 nội dung trên, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

Khi góp ý, cần tập trung làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên, của người đứng đầu về những hạn chế, khuyết điểm của đơn vị; tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục. Liên hệ trách nhiệm của tập thể cấp ủy, cá nhân người đứng đầu trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh số 34/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ  ở xã, phường, thị trấn.

2.3. Đối tượng góp ý

- Đối với cấp tỉnh: Góp ý cho tập thể, cá nhân Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

- Đối với cấp huyện, cơ sở và tương đương: Góp ý cho tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành (nơi không có Ban Thường vụ) và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành (nơi không có Ban Thường vụ).

2.4. Phương châm, phương pháp và cách tiến hành

- Tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Bộ Chính trị; kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và kế hoạch, hướng dẫn của các ban đảng của Tỉnh uỷ tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về Nghị quyết này; sau đó, tổ chức hội nghị tham gia góp ý xây dựng Đảng theo sát 3 nội dung đã nêu trong Nghị quyết.

- Tổ chức hội nghị góp ý xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Việc tổ chức hội nghị góp ý xây dựng Đảng được tiến hành trước khi kiểm điểm tập thể cấp ủy và cấp ủy viên cùng cấp; cấp trên kiểm điểm trước để làm gương cho cấp dưới kiểm điểm, góp ý sau.

- Tiến hành tham gia góp ý xây dựng Đảng phải thật sự dân chủ, cởi mở; đề cao trách nhiệm, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, thẳng thắn, chân thành, khách quan, xây dựng và tình thương yêu đồng chí nhưng không nể nang, né trách, kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”; tập trung làm rõ những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất hiện nay và đề xuất, kiến nghị với Đảng những giải pháp về xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

- Tổng hợp ý kiến: Cơ quan chủ trì có trách nhiệm ghi chép, tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý xây dựng Đảng. Sau hội nghị, gửi báo cáo tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý xây dựng Đảng cho cấp ủy đồng thời, gửi báo cáo Ban Dân vận cấp ủy cùng cấp, báo cáo cấp trên trực tiếp và lưu giữ những ý kiến góp ý để giám sát việc khắc phục, sữa chữa, sau khi đã tiếp thu sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm của tập thể cấp ủy và cấp ủy viên.

- Sau đợt kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết; định kỳ hằng năm, tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp. MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp giám sát việc cấp ủy, tổ chức đảng có hình thức thích hợp thông báo kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, đóng góp ý kiến.

- Lưu ý khi tổ chức hội nghị:

+ Chia thành nhiều tổ để góp ý nếu số lượng đại biểu hội nghị đông;

+ Ban hành mẫu phiếu lấy ý kiến góp ý của các đại biểu dự hội nghị nhằm tiếp thu được nhiều ý kiến tham gia xây dựng Đảng;

+ Thành lập Ban tổ chức hội nghị, gồm: Cơ quan chủ trì và mời lãnh đạo Uỷ ban Kiểm tra, Ban Tổ chức, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Văn phòng cấp uỷ cùng cấp tham gia.

2.5. Thành phần, thời gian thực hiện ở các cấp

- Cấp tỉnh:

+ Thành phần: Uỷ viên Uỷ ban Mặt Trận Tổ quốc tỉnh, Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội ở tỉnh.

+ Thời gian thực hiện: Tháng 7 - 8/2012.

-  Cấp huyện và tương đương:

+ Thành phần: Uỷ viên thường trực Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc huyện, Ban Thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hội ở huyện.

+ Thời gian thực hiện: Tháng 8 - 9/2012.

- Cấp xã và cơ sở:

+ Thành phần hội nghị ở cấp xã: Uỷ viên Uỷ ban Mặt Trận Tổ quốc, Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã.

Trưởng khối dân vận xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo việc tổ chức hội nghị cho đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng.

+ Thời gian thực hiện: Tháng 9 -10/2012.

3. Thực hiện các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết

Ban Dân vận cấp uỷ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo, tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau:

- Tổ chức phổ biến sâu rộng Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI), Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết, kế hoạch của các ban đảng trung ương, của cấp uỷ; nâng cao nhận thức, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.

- Tổ chức nghiêm túc, có chất lượng đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4; nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên, cấp uỷ viên và người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong kiểm điểm và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.

- Chủ động rà soát, loại bỏ những thủ tục, cơ chế, chính sách lạc hậu không còn phù hợp; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, củng cố niềm tin trong Đảng, trong nhân dân. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng xã hội lành mạnh, tiến bộ, đoàn kết, đồng thuận, văn minh.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy chế, quy định, quy ước thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; về chế độ, chính sách, thu, chi tài chính; xoá bỏ những đặc quyền, đặc lợi lợi dụng chức vụ quyền hạn (kể cả người thân) để làm giàu bất chính; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong cơ quan, đơn vị.

- Đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận, chống quan liêu, hành chính hoá, phô trương, hình thức, mất dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh số 34/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn gắn với việc thực hiện hai đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác dân vận: Đề án số 04 – ĐA/TU ngày 20/5/2011 về “Tiếp tục đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, giai đoạn 2011 – 2015” và Đề án số 08 – ĐA/TU ngày 23/8/2011 về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giai đoạn 2011- 2015”. Chủ động phòng, chống, làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân của các thế lực thù địch.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; các vụ đình công, lãn công; bảo vệ và chăm lo lợi ích của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt và hoạt động của chi bộ, chi đoàn, chi hội; hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động. Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

- Người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Nghị quyết, giải quyết từng vấn đề cấp bách, xác định rõ những việc cần làm ngay, làm quyết liệt có hiệu quả, thời gian hoàn thành và phân công người chịu trách nhiệm cụ thể; tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết. Trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết phải gắn liền với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân vận trong năm 2012 .

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân vận Tỉnh ủy

-  Xây dựng Hướng dẫn phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết. Hướng dẫn Ban Dân vận các cấp phối hợp với các ban đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức hội nghị cho các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng.

- Hướng dẫn các đoàn thể phổ biến nội dung Nghị quyết cho các đoàn viên, hội viên và nhân dân để tham gia góp ý xây dựng Đảng thông qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội để cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.

- Phối hợp với Chi ủy cơ quan tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị; kế hoạch, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương, của tỉnh cho cán bộ, công chức trong cơ quan.

- Phối hợp với các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết trong các tầng lớp nhân dân; tổng hợp ý kiến tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của các tầng lớp nhân dân.

2. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở tỉnh

- Xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức phổ biến, quán triệt và thực hiện Nghị quyết trong hệ thống tổ chức mình; tổ chức hội nghị cho các tầng lớp nhân dân tham gia, góp ý xây dựng Đảng.

3. Ban dân vận các huyện, thành, thị ủy; các đảng ủy trực thuộc và khối dân vận xã, phường, thị trấn

- Tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo, phối hợp tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết; phối hợp tổ chức hội nghị cho các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, nội dung, thời gian và tiến độ chỉ đạo của cấp uỷ.

- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, giám sát; nắm chắc tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết. Định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết với cấp uỷ và ban dân vận cấp trên./.

 

 Nơi nhận:

- Ban Dân vận Trung ương (b/c);

- Thường trực Tỉnh uỷ (b/c);

- Đảng đoàn HĐND tỉnh;

- Ban Cán sự UBND tỉnh;

- TT các huyện, thành, thị ủy; các Đảng uỷ trực thuộc;

- UBMTTQ, các đoàn thể, hội ở tỉnh;

- BDV Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;

- Phòng Phong trào quần chúng Công an tỉnh;

- Ban Dân vận các huyện, thành, thị uỷ;

- Các đ/c lãnh đạo Ban;

- Các phòng nghiệp vụ (qua lotus);

- Lưu VP.

TRƯỞNG BAN

 

 

 

Phùng Đình Thiệu

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn