Phát huy vai trò của giảng viên lý luận chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TA HIỆN NAY                                          

Tiến sĩ. Nguyễn Thị Thu Thủy- Phó Ban Tuyên giáo Đảng ủy

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên

          Tóm tắt: Đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận là nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; khắc phục những nhận thức mơ hồ, lệch lạc, sai lầm về tư tưởng, lý luận... Hiện nay, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nước ta tiếp tục diễn ra gay gắt, quyết liệt, phức tạp và để bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Đảng đòi hỏi phải thực hiện nhiều nội dung, biện pháp khác nhau, trong đó việc phát huy vai trò của giảng viên lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng.

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, chống đối chính trị sử dụng mọi hình thức, biện pháp khác nhau để trực tiếp hoặc gián tiếp phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm lãnh đạo của Đảng Cộng sản và định hướng xã hội chủ nghĩa; ca ngợi, sùng bái nền dân chủ tư sản, thổi phồng những thành tựu của chủ nghĩa tư bản và chủ trương đi theo con đường chủ nghĩa tư bản… Qua nghiên cứu cho thấy, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, chống đối chính trị đang tập trung tấn công, chống phá Đảng ta trên một số nội dung cơ bản sau:

Phê phán, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bằng những hình thức tinh vi, xảo quyệt hơn. Đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng tăng cường tán phát các tài liệu phản động, như: “Bùi Tín: Nhà khoa học chân chính nói không với Marxl”,“Mô hình Karl Marx”… nhằm xuyên tạc, phủ nhận những giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với sự tiến bộ, phát triển của nhân loại và đối với cách mạng Việt Nam. Với tư duy siêu hình, lập luận thiếu cơ sở khoa học và thái độ thù hận, chúng cho rằng: “Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời”, từ đó kêu gọi Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới “từ bỏ học thuyết của Mác”. Đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng tán phát rất nhiều tài liệu phản động để chống phá một cách tinh vi và xảo quyệt hơn. Một mặt, chúng ca ngợi, tuyệt đối hoá vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh, tách tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ nghĩa Mác-Lênin, từng bước đòi từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin; mặt khác, xuyên tạc, phủ nhận, bôi nhọ và hạ thấp vai trò của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.

Xuyên tạc, phê phán, chỉ trích, chống phá đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phê phán các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập... Chúng giả danh những người cộng sản chân chính, chỉ ra những khuyết điểm đã được Đảng tự nhận, tự phê bình trong quá khứ, “tâm huyết” đóng góp, hướng lái đường lối, quan điểm lãnh đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước theo con đường tư bản chủ nghĩa, từng bước xa rời mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, chống đối chính trị đẩy mạnh việc xuyên tạc, chống phá, cho rằng: Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam “đã triệt tiêu các quyền tự do dân chủ” của người dân và kêu gọi huỷ bỏ điều luật này; chúng phản đối, kịch liệt chống phá Luật An ninh mạng; kêu gọi xoá bỏ nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa…

Bới móc, thổi phồng, bôi đen những sai lầm, khuyết điểm của Đảng, Nhà nước trong quá trình lão đạo, chỉ đạo và điều hành đất nước; xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối; hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Chúng phát tán nhiều tài liệu để xuyên tạc, kích động và vu cáo Đảng, Nhà nước. Đồng thời, chúng tô vẽ, ca ngợi, tán dương và thổi phồng những thành tựu của chủ nghĩa tư bản, đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự” và chủ trương đi theo con đường chủ nghĩa tư bản.

Nghị quyết số 35-NQ/TƯ, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” xác định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”. Trong đó, giảng viên lý luận chính trị là lực lượng có vai trò nòng cốt, trực tiếp giảng dạy, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và phẩm chất chính trị cho người học; trực tiếp tham gia nghiên cứu bổ sung và phát triển lý luận chính trị, làm sáng rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trên con đường xây dựng xã hội mới; là người có khả năng và thường xuyên tham gia tiếp cận, nhận diện sâu rộng, kịp thời các thông tin, luận điệu, từ đó chia sẻ, viết bài, bình luận phản biện và đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu sai trái, thù địch hiện nay.

Để đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm, tư tưởng chống phá Đảng ta hiện nay, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cần nhận thức và giải quyết tốt những vấn đề cơ bản sau:

Một là, tích cực, chủ động nhằm phát hiện sớm, nhận diện đúng tư tưởng, quan điểm, hoạt động chống phá Đảng ta của các thế lực phản động, thù địch.

Phát hiện sớm, nhận diện đúng tư tưởng, quan điểm, hoạt động chống phá Đảng ta của các thế lực phản động, thù địch là nhiệm vụ quan trọng và thực sự khó khăn, phức tạp, vì các thế lực phản động, thù địch đã móc nối, lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc được một số ít cán bộ, đảng viên, những phần tử cơ hội, bất mãn trong nội bộ ta, những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Theo đó, cần phải “tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”[1]. Việc phát hiện sớm, nhận diện đúng tư tưởng, quan điểm, hoạt động chống phá Đảng ta của các thế lực phản động, thù địch, những phần tử cơ hội, bất mãn là biện pháp quan trọng, là cơ sở để đội ngũ giảng viên lý luận chính trị xác định đúng các nội dung, hình thức và phương pháp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái... Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.

 Hai là, tiếp tục nghiên cứu nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa nền tảng cơ bản, không chỉ giúp chúng ta có nhãn quan chính trị nhạy bén, sắc sảo, tư duy lôgíc, biện chứng; có luận cứ khoa học, lập luận chặt chẽ, sắc bén và thuyết phục để đấu tranh, phản bác có hiệu quả với những quan điểm, tư tưởng phủ nhận, xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch, mà còn giúp chúng ta phân biệt rõ sự khác nhau giữa tư tưởng chống phá, xuyên tạc với ý kiến đóng góp tâm huyết, bổ sung, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của những người mácxít chân chính; phân biệt rõ sự khác nhau giữa tư tưởng phản động với những sai lầm, lệch lạc do trình độ nhận thức…, không bị mơ hồ, mất cảnh giác hoặc quy kết sai lầm về đối tượng. Để thực hiện điều đó, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cần phải không ngừng nâng cao hệ thống tri thức toàn diện và sự giác ngộ sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị.

Trong chủ nghĩa Mác-Lênin, sự gắn liền giữa chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng, làm cho chủ nghĩa duy vật trở nên triệt để và phép biện chứng trở thành lý luận khoa học. Với việc phát minh ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, mà cốt lõi là học thuyết hình thái kinh tế-xã hội, đã chỉ rõ sự chuyển biến của các hình thái kinh tế - xã hội không diễn ra một cách tự động, mà phải trải qua quá trình đấu tranh giai cấp gay go và quyết liệt; quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất, trình độ của lực lượng sản xuất là cơ sở để khẳng định sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản, sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội; học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân chỉ rõ giai cấp công nhân là người lãnh đạo cuộc đấu tranh lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội… Chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết mở, không ngừng tự đổi mới, tự phát triển trong dòng trí tuệ của nhân loại, như V.I. Lênin đã khẳng định: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống. Chúng tôi nghĩ rằng những người xã hội chủ nghĩa ở Nga đặc biệt cần phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng những nguyên lý ấy thì, xét riêng từng nơi…”[2]. Cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam; là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, nhân dân ta.

Ba là, có thái độ dứt khoát, lập trường kiên định, tư tưởng kiên quyết và tư duy sắc bén trong đấu tranh với những quan điểm, tư tưởng, hoạt động chống phá Đảng ta.

Thái độ dứt khoát, lập trường kiên định, tư tưởng kiên quyết và tư duy sắc bén là vấn đề hết sức quan trọng thể hiện rõ quan điểm, lập trường của những người mácxít chân chính trong đấu tranh chống các thế lực phản động, thù địch, để bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm lãnh đạo của Đảng. Dũng khí đấu tranh tư tưởng, lý luận cũng chính là một trong những phẩm chất quan trọng, nhân tố cơ bản bảo đảm cho đội ngũ giảng viên lý luận nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận. Đấu tranh với tư tưởng, quan điểm của các thế lực phản động, thù địch chống phá Đảng ta là cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng và lý luận; cuộc đấu trí rất căng thẳng, lâu dài và phức tạp; thực chất là cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực ý thức hệ. Trong cuộc đấu tranh này, những người mácxít chân chính phải có quan điểm rõ ràng, thái độ dứt khoát, phân biệt rõ đúng sai; lập trường kiên định, tư tưởng kiên quyết, bản lĩnh vững vàng, ý chí đấu tranh của người chiến sỹ cách mạng; tuyệt đối không chấp nhận dung hoà, thoả hiệp hay thương thuyết, nhượng bộ dưới bất cứ hình thức nào; luôn “kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam… Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, không dao động trong bất cứ tình huống nào”[3].

Trong quá trình đấu tranh, phải luôn tỏ rõ bản lĩnh và trí tuệ của người cộng sản chân chính, với tư duy sắc bén, lập luận khoa học, chặt chẽ, chứng minh, bác bỏ một cách thuyết phục đối với các quan điểm, tư tưởng, hoạt động chống phá của các thế lực phản động, thù địch. Qua đó, không những chỉ ra các điều phi lý, tư duy siêu hình, lập luận phi lôgíc, viện dẫn thiếu chứng cứ, phi khoa học của chúng, mà còn vạch trần bộ mặt thật của những kẻ phản động, cơ hội, bất mãn chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm lãnh đạo của Đảng hiện nay. Tiếp tục “đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả[4]; tích cực, chủ động trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; tiếp tục giáo dục dũng khí đấu tranh tư tưởng, lý luận đồng thời phát huy tính tích cực, sáng tạo trong học tập và vận dụng lý luận của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị.

          Bốn là, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị.

Để thực hiện việc đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch chống phá Đảng ta hiện nay, cần chú trọng nâng cao chất lượng giảng viên lý luận chính trị, nhất là nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, tư tưởng đạo đức; tập trung đổi mới công tác đào tạo, tự đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giảng viên lý luận chính trị theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá; đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo động lực khuyến khích giảng viên lý luận chính trị không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp; phát huy và nâng cao tính tích cực, tính tự giác của giảng viên lý luận chính trị trong nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện nhân cách.

Mỗi giảng viên lý luận chính trị cần xây dựng ý chí quyết tâm, động cơ, thái độ, trách nhiệm trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; không hoang mang, dao động trước mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng, sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam; kết hợp giữa bồi dưỡng nâng cao nhận thức với thường xuyên rèn luyện bản lĩnh, ý chí, kỹ năng đấu tranh với các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch; thường xuyên làm tốt việc bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng đấu tranh tư tưởng, lý luận và khuyến khích giảng viên lý luận chính trị vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức đấu tranh tư tưởng, lý luận; nắm vững những quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phải xem đây là trách nhiệm của giảng viên lý luận chính trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Đình Bôn (2013), Tác động của chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

2. Đỗ Mạnh Hòa (Chủ biên, 2018), Phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

3. Hội đồng Lý luận Trung ương (2017), Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.201.

[2] V.I. Lênin (2005), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 232.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.199.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.200.

Tin mới hơn

Tin cũ hơn