Đổi mới trên vùng đất Thái Nguyên anh hùng

 TS. Nguyễn Thị Vân Anh - BM LSĐ và TTHCM

Từ ngày 1/1/1997, hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Bắc Thái, mở ra chặng đường phát triển mới. Trải qua 25 năm, từ một tỉnh nghèo, Thái Nguyên đã có bước phát triển vượt bậc trong tất cả các lĩnh vực. Tại thời điểm tái lập (1/1/1997), tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính, gồm: TP Thái Nguyên, TX Sông Công và 7 huyện: Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình, Phổ Yên; tổng diện tích tự nhiên trên 3.541km2, với số dân trên 1 triệu người.

Là một tỉnh thuộc Vùng trung du miền núi phía Bắc, Thái Nguyên có tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng, với các lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên khoáng sản, rừng…; nhiều cơ sở công nghiệp lớn của Trung ương, trong đó đáng chú ý là Khu công nghiệp Gang Thép, các nhà máy cơ khí Sông Công, Phổ Yên cùng công nghiệp khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến, gia công, các nhà máy quốc phòng.

Với mục tiêu đưa địa phương tiến nhanh và bền vững, trải qua 6 kỳ đại hội từ khi tái lập (từ Đại hội XV đến Đại hội XX), Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên luôn định hướng, lựa chọn con đường đổi mới để phát triển. Hiện thực hóa định hướng và những chủ trương đúng đắn, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm.

Nhờ vậy, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Minh chứng rõ nét nhất là trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã hoàn thành toàn diện 19/19 chỉ tiêu nghị quyết. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,1%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nổi bật nhất là giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,3%/năm, vươn lên đứng đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ…Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,56% (cao gấp 2,5 lần so với trung bình cả nước, cả nước dự ước là 2,58%); tổng thu ngân sách Nhà nước đã đạt gần 18.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 844.000 tỷ đồng, tăng 7,7%; giá trị xuất khẩu đạt gần 29 tỷ USD, tăng 17,9%, thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước.

Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, do vậy tỉnh sẽ quyết tâm, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8%; Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 9%; Giá trị xuất khẩu tăng 9%; GRDP bình quân đầu người đạt 105 triệu đồng/người/năm; Thu ngân sách nhà nước đạt 18.000 tỷ đồng…

Để hoàn thành các mục tiêu này, thời gian tới Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; Triển khai thực hiện tốt các Chương trình hành động của Tỉnh ủy; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 5 năm 2021–2025; các nội dung của Quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./

Tin mới hơn

Tin cũ hơn