TS. Lương Thị Thúy Nga*
Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – ĐH Thái Nguyên
ĐẶT VẤN ĐỀ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời cho độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc, ấm no của nhân dân Việt Nam và có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại. Hơn nửa thế kỷ hoạt động lý luận và thực tiễn, Người để lại di sản vô giá, mãi mãi soi sáng cho chúng ta phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Người là hiện thân đầy đủ, cao đẹp nhất về đạo đức cách mạng, cuộc đời, phong cách sống, lao động, học tập, tâm hồn, trí tuệ và nghị lực, tiêu biểu cho tinh hoa, khí phách dân tộc Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu đầy đủ, toàn diện cũng như đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn rất cần thiết trong mọi giai đoạn cách mạng, nhất là đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
NỘI DUNG PHONG CÁCH NÊU GƯƠNG TRONG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
Phong cách hiểu một cách chung nhất là cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự tạo nên cái riêng của một người hay một lớp người nào đó. Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người. Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá Người để lại cho dân tộc và nhân loại. Phong cách đó xuất phát từ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của Người, là sự kết tinh của truyền thống văn hoá dân tộc với tinh hoa văn hoá của nhân loại, vừa dân tộc vừa quốc tế, vừa rất mực nhân từ vừa triệt để cách mạng, rất uyên bác mà lại cực kỳ khiêm tốn, rất nguyên tắc về chiến lược lại rất linh hoạt trong sách lược, vừa nhìn xa trông rộng lại vừa thiết thực cụ thể, vừa vĩ đại lại vô cùng bình dị.
Phong cách nêu gương là một nội dung nổi bật trong phong cách Hồ Chí Minh, thể hiện đặc trưng giá trị trong quan điểm về việc nêu gương và tấm gương của Người, được thể hiện rất cụ thể, sâu sắc qua đạo đức Hồ Chí Minh. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức mới, đạo đức cách mạng, là sự thống nhất giữa tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và thực tiễn đời sống đạo đức của Người. Trong đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức là một hệ thống những quan điểm cơ bản và toàn diện về đạo đức, bao gồm vị trí, vai trò, nội dung; những phẩm chất đạo đức cơ bản và những yêu cầu xây dựng nền đạo đức mới; yêu cầu rèn luyện đạo đức đối với người cách mạng. Thực tiễn đời sống đạo đức chính là tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện qua hoạt động, hành vi và lối sống, qua các mối quan hệ với con người, với công việc, trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày.
Như vậy, phong cách nêu gương thể hiện qua đạo đức Hồ Chí Minh chính là những giá trị cốt lõi trong quan điểm, tư tưởng của Người về việc nêu gương và của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Gương mẫu, nêu gương là một phẩm chất đạo đức cách mạng, vừa là một nét đẹp của văn hóa phương Đông. Nêu gương về đạo đức đã được biết đến từ lâu trong lịch sử như là một yêu cầu, một phương thức giáo dục đạo đức.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc “nêu gương”, Người đã chỉ ra rằng: “Các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” [2, tr.284]. Nhận thức được vai trò và sức mạnh của sự nêu gương, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc đến tấm gương đạo đức của V.I.Lê-nin: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người không gì ngăn cản nổi” [2, tr.317]. Theo Người, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội không phải ở lý tưởng cao xa nào mà trước hết, cụ thể và trực tiếp, là ở những người cộng sản ưu tú bằng tấm gương sống và hành động của mình, chiến đấu cho lý tưởng đó thành hiện thực. Củng cố hay làm suy giảm niềm tin của quần chúng vào tương lai của chủ nghĩa xã hội không phải ở những sai lầm và thất bại tạm thời khó tránh khỏi trên con đường mới khai phá mà chủ yếu lại là ở sự sa sút, thoái hóa của những người được mệnh danh là “những chiến sỹ tiên phong” trước thắng lợi hay khó khăn của cách mạng.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, nêu gương là phải làm gương cho mọi người, làm gương trong mọi công việc từ việc nhỏ đến việc lớn, thể hiện thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi, gương mẫu về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Nêu gương đạo đức trước hết là một yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên và những người đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, việc nêu gương đạo đức của cán bộ, đảng viên có tác dụng giáo dục quần chúng rất cao. Người thường căn dặn: Trước quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quí mến những người có tư cách đạo đức, muốn hướng dẫn lãnh đạo nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta làm theo, hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Người khuyên cán bộ, đảng viên nên nói ít làm nhiều, không nên nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo. Cán bộ, đảng viên gương mẫu để quần chúng học tập, noi theo.
Để có được những tấm gương sáng cho quần chúng học tập và noi theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt ra những yêu cầu cao nhưng lại rất thiết thực đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, đó là phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, tự mình gương mẫu “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; đặc biệt trong ba mối quan hệ: đối với mình, đối với người, đối với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, mà phải luôn luôn khiêm tốn học hỏi để cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa chữa điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày. Đối với người thì cán bộ đảng viên phải luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc mà phải khoan dung, độ lượng với mọi người. Đối với việc thì cán bộ đảng viên dù trong hoàn cảnh nào thì phải giữ nguyên tắc “Dĩ công vi thượng” tức là để việc công lên trên, lên trước việc tư. Có như vậy mới tăng được tính thuyết phục trong tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng xây dựng đạo đức mới.
Để việc nêu gương được thực hiện tốt, theo Hồ Chí Minh trước hết, cần phải quán triệt trong tất cả mọi đối tượng, mọi lĩnh vực: từ Đảng, Nhà nước, các đoàn thể với nhà trường, gia đình và xã hội. Bỡi lẽ, thực hành vấn đề này có liên quan đến sự thành bại của cách mạng, đến sự sống còn của Đảng, của chế độ. Cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang cần phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng để thu hút, tập hợp quần chúng nhân dân tham gia.
Thứ hai, cần thực hiện tốt “nói đi đối với làm”. “Nói đi đôi với làm” là một phương châm, nguyên tắc chỉ đạo hoạt động, được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong những tiêu chí quan trọng khi thực hành phương pháp “nêu gương”; đồng thời, là biểu hiện cụ thể, sinh động về bản chất, truyền thống cách mạng của Đảng ta, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn đứng vững và vượt qua trước mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ở Hồ Chí Minh đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân với đạo đức đời thường.
Thứ ba, cần nêu gương “người tốt, việc tốt”. Người rất chú trọng giáo dục đạo đức thông qua các tấm gương lớn trong lịch sử dân tộc, trong lịch sử cách mạng và trong hiện thực đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Người trân trọng nêu lên những tấm gương anh hùng giải phóng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung để giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn, tự lập, quật cường của dân tộc Việt Nam cho đồng bào và chiến sĩ. Người nêu cao các tấm gương chói lọi về đạo đức cách mạng chí công vô tư của các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác là những người đã vì dân, vì nước mà hy sinh oanh liệt để cán bộ đảng viên và nhân dân học tập.
Không chỉ nêu những tấm gương anh hùng chói lọi của trong lịch sử dân tộc và cách mạng, Hồ Chí Minh đồng thời, nhấn mạnh: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” [3, tr.672]. Những tấm gương người tốt từ khắp nơi góp phần nâng cao hiệu quả việc rèn luyện đạo đức cách mạng. Người cho rằng: Nêu gương người tốt, việc tốt “là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục lớn” [3, tr.665].
Trong suốt 10 năm, Hồ Chí Minh theo dõi những người tốt, việc tốt trên khắp các báo, từ khắp các địa phương. Người cắt những bài viết người tốt, việc tốt, ghi rõ xuất xứ rồi dán thành 18 quyển, mỗi quyển khoảng 50 tờ, sau đó cho văn phòng xác minh lại, căn cứ vào những tư liệu đó, trong 10 năm Người đã tặng 4.000 huy hiệu cho những tấm gương người tốt, việc tốt [1, tr.74]. Những tấm gương như vậy chính là nguyên liệu quý báu trong xây dựng, rèn luyện con người mới.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động các phong trào thi đua yêu nước rộng rãi như các phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bênh quan liêu... để biến những tư tưởng, đạo đức thành hiện thực.
Từ thực tiễn hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở việc đưa ra những quan điểm giáo dục về phẩm chất nêu gương, bản thân Người là một mẫu mực về thực hành đạo đức – một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Đó là tấm gương trọn đời “Trung với nước, hiếu với dân” phấn đấu, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; tấm gương của ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, vượt qua mọi thử thách, khó khăn để đạt mục tiêu cách mạng; tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; tấm gương của một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực vì con người; tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường. Tấm gương đạo đức của Người là tấm gương của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một người cộng sản vĩ đại, nhưng đồng thời là tấm gương của một người bình thường, ai cũng có thể học tập, để làm theo, để trở thành một người cách mạng, người công dân tốt trong xã hội.
Phong cách nêu gương trong đạo đức Hồ Chí Minh có giá trị to lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn. Là cơ sở để Đảng ta giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và để quần chúng nhân dân học tập, làm theo. Hiện nay, đất nước ta chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những yếu tố tích cực cũng có cả những yếu tố tiêu cực tác động đến các giá trị xã hội nói chung và giá trị đạo đức nói riêng. Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chỉ chạy theo lợi ích cá nhân, dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống, làm tổn hại uy tín của Đảng và Nhà nước, gây ảnh hưởng tới vai trò, ý nghĩa to lớn việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu để không ngừng nâng cao nhận thức và “làm theo” phong cách “nêu gương” về đạo đức, lối sống mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sử dụng, phải trở thành một trong những nhiệm vụ cấp thiết của công tác giáo dục, rèn luyện về đạo đức cho cán bộ, đảng viên trong tình hình mới. Điều đó giúp cho cán bộ, đảng viên luôn tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất, đạo đức, lối sống trong sáng, luôn gương mẫu cho quần chúng nhân dân noi theo, xứng đáng với câu nói “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, góp phần vào củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.
KẾT LUẬN
Phong cách nêu gương trong đạo đức Hồ Chí Minh là một chỉnh thể thống nhất từ tư duy đến hành động, từ quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề nêu gương đến tấm gương mẫu mực của Người về thực hành đạo đức nói riêng và trong mọi lĩnh vực nói chung. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm nghiêm túc học tập, gắn với làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người nói chung và phong cách nêu gương trong đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng để góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Ngọc Anh (2016), Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh – Giá trị và sức lan tỏa, Đề tài khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4. Song Thành (2005), “Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức một yêu cầu cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”, Tạp chí Cộng sản, số 11, tr.15-3