TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHÁP LUẬT TRONG THỜI ĐẠI GIÁO DỤC 4.0

CN. Tống Thị Hồng Hạnh

Bộ môn Chủ nghĩa Mác – Lênin 

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi công nghệ số và các phương thức học tập trực tuyến ngày càng phát triển mạnh mẽ, khái niệm "Giáo dục 4.0" đã không còn là một xu hướng mang tính thời cuộc mà giờ đây trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi hệ thống giáo dục toàn cầu. Giáo dục thời đại 4.0 được định nghĩa là một mô hình giáo dục dựa trên sự phát triển vượt bậc của các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence), Internet vạn vật (IoT – Internet of Things), dữ liệu lớn (BigData), và thực tế ảo (VR - Virtual Reality)[1] đã mở ra những cơ hội mới cho nền giáo dục, nhưng cũng kéo theo không ít thách thức và vấn đề pháp lý mà hệ thống pháp luật cần phải xử lý. Khi đó, pháp luật không chỉ có vai trò điều chỉnh các hoạt động giáo dục, bảo vệ quyền lợi của người tham gia, mà còn giúp duy trì trật tự và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong môi trường học tập và giảng dạy hiện đại, bảo vệ quyền lợi cá nhân, bảo vệ sở hữu trí tuệ, đảm bảo an toàn thông tin, và khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong giáo dục.

  1. Pháp luật bảo vệ quyền lợi cá nhân và bảo mật thông tin trong môi trường số

Một trong những yếu tố then chốt khi chuyển đổi sang giáo dục 4.0 là việc sử dụng công nghệ số trong tất cả các khía cạnh của quá trình giảng dạy và học tập. Với việc học sinh, sinh viên và giảng viên ngày càng phải tương tác với các nền tảng học trực tuyến, hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System)[2] và ứng dụng giáo dục, khối lượng dữ liệu cá nhân và học thuật của người tham gia tăng lên rất nhanh. Những dữ liệu này bao gồm thông tin cá nhân, kết quả học tập, thói quen học tập, bài kiểm tra, điểm số, cũng như các tài liệu nghiên cứu và các nội dung học thuật quan trọng.

Trong môi trường giáo dục số, bảo mật thông tin và quyền riêng tư trở thành vấn đề sống còn. Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của học sinh, sinh viên và giảng viên cần được ưu tiên hàng đầu. Pháp luật cần phải có các quy định nghiêm ngặt về việc thu thập, lưu trữ và xử lý thông tin cá nhân, nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền riêng tư như rò rỉ thông tin cá nhân, lạm dụng dữ liệu hay việc sử dụng thông tin mà không có sự đồng ý của người dùng. Các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của người học và đảm bảo rằng mọi quy trình xử lý dữ liệu đều tuân thủ các nguyên tắc bảo mật và minh bạch. Hệ thống pháp luật cần phải có các quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của học sinh, sinh viên, và giảng viên, đồng thời yêu cầu các tổ chức giáo dục xây dựng các chính sách bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt. Tại nước ta, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và Nghị định ban hành đi kèm về Quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng[3] là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần đảm bảo an toàn an ninh quốc gia và an toàn xã hội, đưa ra các giải pháp toàn diện nhằm đảm bảo một môi trường an toàn an ninh mạng trong thế giới số nói chung và nền tảng kỹ thuật, giáo dục 4.0 nói riêng.

Bên cạnh đó, giáo dục 4.0 cũng yêu cầu các nhà trường và tổ chức giáo dục cung cấp cho người học những thông tin đầy đủ và minh bạch về cách thức các dữ liệu cá nhân của họ sẽ được sử dụng. Pháp luật có thể yêu cầu các cơ sở giáo dục thiết lập các phương thức rõ ràng để bảo vệ quyền lợi cá nhân, đảm bảo người học có quyền yêu cầu xóa dữ liệu của mình hoặc yêu cầu truy cập thông tin về việc xử lý dữ liệu cá nhân của mình.

  1. Pháp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục số

Pháp luật trong giáo dục 4.0 cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền sở hữu các tài nguyên học thuật và công nghệ được sử dụng trong giảng dạy. Trong thời đại giáo dục số, việc học tập trực tuyến, chia sẻ tài liệu học tập, video giảng dạy, sách điện tử, phần mềm học tập, các bài giảng trực tuyến và những công cụ học tập khác trở thành một phần quan trọng trong quá trình học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên, điều này cũng làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến vi phạm bản quyền, sao chép trái phép hoặc sử dụng tài nguyên mà không có sự cấp phép của tác giả hoặc chủ sở hữu.

Pháp luật cần có những quy định minh bạch, rõ ràng và nghiêm ngặt về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt ở đây chúng ta đề cập đến các tài liệu giảng dạy và công nghệ giáo dục trực tuyến. Các tổ chức giáo dục phải có trách nhiệm bảo vệ quyền tác giả và bản quyền của các tài liệu học thuật, giúp giáo viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu có thể yên tâm sáng tạo và chia sẻ các nghiên cứu của mình mà không lo lắng về việc bị xâm phạm quyền lợi. Ngoài ra, pháp luật cũng cần quy định cụ thể hơn các hình thức xử lý vi phạm bản quyền trong giáo dục số, chẳng hạn như hành vi sao chép trái phép tài liệu học tập, video giảng dạy, hay phần mềm học trực tuyến. Những quy định này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các tác giả mà còn duy trì sự công bằng trong giáo dục, ngăn ngừa hành vi gian lận và sao chép không công bằng trong quá trình học tập.

  1. Pháp luật đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và giảm thiểu khoảng cách

Giáo dục 4.0 mở ra một cơ hội lớn cho những học sinh, sinh viên ở vùng sâu, vùng xa, cũng như những đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận các tài liệu học tập chất lượng, giáo viên, giảng viên giỏi và những cơ hội học tập không giới hạn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận công nghệ và các thiết bị số như máy tính, điện thoại thông minh, kết nối internet, và các nền tảng học trực tuyến. Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh và sinh viên thiếu các kỹ năng số cơ bản như sử dụng phần mềm học tập, tìm kiếm thông tin trên mạng hay giao tiếp trực tuyến. Điều này gây khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng các tài nguyên học tập trực tuyến. Tất cả những khó khăn nêu trên có thể dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục và khiến cho một bộ phận học sinh không thể hưởng lợi từ những cơ hội học tập mà giáo dục 4.0 mang lại.

Lúc này, pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sự bất bình đẳng trong giáo dục bằng cách quy định các chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hoặc các vùng sâu, vùng xa. Các chính sách này có thể bao gồm hỗ trợ tài chính, cung cấp thiết bị học tập, miễn phí hoặc giảm giá các khóa học trực tuyến, hoặc hỗ trợ kết nối internet cho những học sinh không có điều kiện.

  1. Pháp luật điều chỉnh việc sử dụng công nghệ trong giáo dục

Giáo dục 4.0 không chỉ là việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy, mà còn là việc sử dụng các công cụ công nghệ này để theo dõi, đánh giá, kiểm tra và quản lý quá trình học tập của người học. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData),v.v… đang ngày càng được ứng dụng để theo dõi tiến độ học tập của học sinh, đưa ra các phản hồi tự động và cá nhân hóa, đồng thời giúp các cơ sở giáo dục quản lý chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, việc sử dụng các công nghệ này cũng kéo theo một số vấn đề pháp lý, chẳng hạn như tính minh bạch trong việc sử dụng AI để đánh giá học sinh, vấn đề đạo đức khi sử dụng BigData để phân tích hành vi và kết quả học tập của học sinh, và các vấn đề về quyền riêng tư khi sử dụng các công cụ số để theo dõi học sinh.

Do đó, pháp luật cần có các quy định để giám sát và điều chỉnh việc sử dụng công nghệ trong giáo dục. Các quy định này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của học sinh và giảng viên mà còn giúp đảm bảo rằng công nghệ được sử dụng một cách công bằng và minh bạch. Đồng thời, pháp luật cũng cần yêu cầu các cơ sở giáo dục cung cấp cho người học thông tin đầy đủ về việc sử dụng công nghệ trong quá trình học tập và giảng dạy, từ đó giúp học sinh và phụ huynh có thể hiểu rõ và đồng ý với việc sử dụng các công cụ công nghệ này.

  1. Pháp luật khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong giáo dục thời đại số

Giáo dục 4.0 không chỉ yêu cầu các cơ sở giáo dục và các nhà quản lý giáo dục áp dụng công nghệ một cách hiệu quả, mà còn khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong cách thức giảng dạy và học tập. Pháp luật cần phải tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho sự đổi mới này, đảm bảo rằng các sáng kiến giáo dục mới sẽ được phát triển mà không vi phạm các quy định đạo đức hay pháp lý. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật cần phải linh hoạt và hỗ trợ các phương pháp giảng dạy sáng tạo, khuyến khích việc phát triển các chương trình học tập mới cũng như có các chính sách đầu tư phát triển các công cụ học tập sáng tạo mới.

GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc,TS. Hoàng Sỹ Tương. Giáo dục 4.0: mô hình trường học 4.0 đáp ứng xu thế phát triển của công nghiệp 4.0. Đổi mới giáo dục và đào tạo vì mục tiêu phát triển bền vững. Học viện quản lý Giáo dục

Trần Văn Biên. (2021). Luật Dân sự trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. NXB Khoa học Xã hội

Nguyễn Thùy Dương & Vũ Công Giao. (2022). Giáo dục và quyền được giáo dục trong Cách mạng công nghiệp lần thứ bốn. Hội thảo khoa học Cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với việc cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam. Đại học Quốc gia Hà Nội (tr. 263-71)

ThS. PHẠM THỊ THU NGA. (2021). Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Công thương

Hồ Ngọc Lâm. (2016). Tác động của cuộc cách mạng công nghệ tới định hướng cải cách chương trình giáo dục ở Việt Nam. (Luận văn thạc sĩ). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội


[1] Nguyễn Thái Giao Thủy. (2024). Ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với giáo dục đại học Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp Nguyễn Thái Giao Thủy. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (30), 2

[2] Nghị quyết số 12/2016/TT-BGDĐT. Quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng. Chương I, điều 2, khoản 3

[3] Quốc hội. (2015). Luật An toàn thông tin mạng. 86/2015/QH13

Quốc hội. (2018). Luật An ninh mạng. 24/2018/QH14

Chính phủ. (2022). Nghị định. 53/2022/NĐ-CP

Tin mới hơn

Tin cũ hơn