TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO CỦA TỔ QUỐC

 

ThS. Tống Thị Phương Thảo

Bộ môn Chủ nghĩa Mác – Lênin

Biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Biển, đảo không chỉ chứa đựng tiềm năng kinh tế to lớn, cửa ngõ mở rộng quan hệ giao thương với quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh, quốc phòng đồng thời biển, đảo là địa bàn chiến lược trọng yếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với tầm nhìn chiến lược vượt thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những chỉ rõ tiềm năng, lợi thế của biển, đảo Việt Nam mà còn đặc biệt quan tâm đến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nhất là vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:“Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”(1). Quê hương Việt Nam chúng ta với muôn hình vạn trạng, vẻ đẹp của những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, với dãy Trường Sơn độ cao ngất trời. Cảnh vật ở mỗi vùng, mỗi miền là khác nhau… và cả ở biển đảo cũng vậy. Có thể hiểu “biển bạc” trong khẳng định của Người chính là của cải vật chất, là sự giàu có nếu khai thác tốt tiềm năng, đi liền với bảo vệ biển, đảo; biển, đảo chứa đựng tài nguyên có giá trị về kinh tế, nối liền không gian kinh tế đất nước với khu vực và thế giới. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đưa ra hình ảnh gần gũi và dễ hiểu với đồng bào miền biển để khẳng định vị trí của biển, đảo Tổ quốc: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?... Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”(2). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn khai thác tài nguyên biển phục vụ cho công cuộc kiến thiết nước nhà, trước hết cần phải giữ yên “cửa nhà”, nghĩa là giữ vững biển, đảo của Tổ quốc.

Ngày 15-3-1961 nhân dịp đến thăm bộ đội hải quân lần thứ hai, Người chỉ rõ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Đồng thời, Người căn dặn các chiến sĩ Hải quân: “Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa kia của tổ tiên”(3). Đây không chỉ là tình cảm của Người đối với hải quân nhân dân Việt Nam, khẳng định vị trí vai trò của lực lượng hải quân đối với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ với miền Bắc sau này mà còn là định hướng chiến lược, sự khái quát về tiềm năng của biển nước ta và trách nhiệm của mọi thế hệ người Việt Nam phải biết khai thác, quản lý và bảo vệ biển.

Trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.Theo Người, sức mạnh bảo vệ biển, đảo là sức mạnh đoàn kết toàn dân. Ngày 10-4-1956, khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phát động miền biển, Người đã căn dặn: “Lực lượng nhân dân tổ chức nhau lại là chính. Không nên ỷ lại, mà phải tự lực cánh sinh”(4). Đây là nguyên tắc chiến lược, bởi vì khi có nguy biến thì lực lượng và phương tiện tại chỗ của đồng bào sẽ ứng phó kịp thời, cản trở hữu hiệu mọi sự đe dọa, xâm lấn chủ quyền biển, đảo trước khi có sự phối hợp của các lực lượng khác. Trong sức mạnh đoàn kết toàn dân bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Người luôn nhấn mạnh đến lực lượng trực tiếp và nòng cốt là Hải quân nhân dân Việt Nam. Ngày 13-11-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm căn cứ Hải quân tại đảo Vạn Hoa, Quảng Ninh, Người căn dặn các chiến sĩ: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến đời sống các chiến sĩ trên các hải đảo của Tổ quốc. Cổ vũ lòng yêu nước, yêu quê hương của các chiến sĩ, tinh thần gìn giữ biển, đảo như gìn giữ chính nhà mình. Ngày 11-8-1965, nhân dịp hải quân ta vừa tròn 10 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ hải quân, vừa khen ngợi thành tích, vừa vạch rõ sự cần thiết xây dựng hải quân vững mạnh trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. "Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu, giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta"(5).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, phức tạp, bởi phạm vi chủ quyền biển, đảo của nước ta rộng lớn, trong khi thực lực của chúng ta còn hạn chế; nước ngoài có thể sử dụng nhiều thủ đoạn, kể cả vũ lực để xâm chiếm biển, đảo. Vì vậy, chúng ta phải tìm cách đánh phù hợp với điều kiện, con người, địa hình bờ biển nước ta, cùng trang bị vũ khí hiện có, học tập cách đánh hiện đại kết hợp với truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên. Bên cạnh việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tập hợp lực lượng, phương thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thì việc mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo được Người đặc biệt quan tâm.

Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng ngày càng giữ vai trò quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước từ biển. Vươn ra biển, làm giàu từ biển theo tư tưởng Hồ Chí Minh là định hướng đúng đắn phù hợp với Việt Nam - một quốc gia có biển và nhiều hải đảo. Với quyết tâm cao, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã và đang tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển, từng bước tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngư dân các địa phương yên tâm làm ăn trên các vùng biển đảo, nhất là ở vùng biển xa. Bên cạnh đó, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, làm chủ biển, bảo vệ và khai thác nguồn lợi từ biển đang là cơ hội, đồng thời là thách thức lớn đối với dân tộc ta nhất là vấn đề Biển Đông đang là điểm nóng. Từ đó xác định mục tiêu phấn đấu, không ngừng xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng phòng không không quân… vững mạnh, theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ tiến lên hiện đại, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

(1)   Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 374

(2)   Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 311

(3)   Truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 - 2005), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 80

(4)   Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 310

(5)   Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 597

Tin mới hơn

Tin cũ hơn