TỈNH UỶ THÁI NGUYÊN*Số 28-CT/TU |
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Thái nguyên, ngày 28 tháng 4 năm 2009 |
CHỈ THỊ
CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH UỶ
về tăng cường công tác dân vận trong tình hình mới
-----
Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác vận động quần chúng, trong những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh ta đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội hàng năm cũng như dài hạn của tỉnh. Thông qua công tác dân vận đã xuất hiện những điển hình tập thể, địa phương, đơn vị và cá nhân làm “Dân vận khéo”, nhiều điển hình hộ gia đình và người dân đã hiến đất, hiến tài sản riêng phục vụ các dự án, công trình phúc lợi, công cộng...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác dân vận ở tỉnh ta vẫn còn những hạn chế đó là: Do nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận, nên có những cấp ủy còn chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận; nội dung, phương thức công tác dân vận của Mặt trận tổ quốc, các hội, các đoàn thể chính trị xã hội còn chậm đổi mới, chưa theo kịp với xu thế phát triển của xã hội; mối quan hệ giữa các đoàn thể với các cấp chính quyền trong công tác dân vận còn chưa đồng bộ. Công tác dân vận của các cơ quan chính quyền còn nhiều bất cập, hạn chế, một bộ phận cán bộ công chức chưa nhận thức đúng, đầy đủ về tầm quan trọng, trách nhiệm làm công tác dân vận, tác phong làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức còn có biểu hiện quan liêu, xa dân, vẫn còn nặng về biện pháp hành chính, coi nhẹ hình thức vận động thuyết phục, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân chưa tốt. Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện, còn có nơi chưa chủ động nghiên cứu và dự báo được tình hình phức tạp có thể nảy sinh những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để phản ánh kịp thời và đề xuất với các cấp uỷ Đảng, chính quyền các chủ trương, chính sách, biện pháp giải quyết. Cải cách thủ tục hành chính còn chậm, chưa đáp ứng sự mong đợi của nhân dân.
Cùng với cả nước, Thái Nguyên đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội để thu hút đầu tư. Do đó vấn đề đổi mới và tăng cường công tác dân vận là thực sự cần thiết và quan trọng, trong bối cảnh tình hình hiện nay… Để công tác dân vận đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các hội quần chúng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục tăng cường quán triệt, học tập, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, tạo sự chuyển biến toàn diện, đồng bộ cả về nhận thức, thái độ và hành động trong công tác dân vận. Các cấp ủy Đảng tập trung tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân cùng với các cấp chính quyền tích cực, chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
2. Thực hiện chủ trương của Ban Dân vận Trung ương lấy năm 2009 là năm “Dân vận chính quyền”, Ban thường vụ Tỉnh ủy xác định công tác “Dân vận chính quyền” là khâu đột phá trong thực hiện tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, góp phần tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 18/2000/CT-TTg, ngày 21/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường công tác dân vận”, đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng và phản biện các chủ trương chính sách phát triển kinh tế xã hội, xây dựng chính quyền vững mạnh. Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ động xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Dân vận, Đảng đoàn HĐND và Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá các hình thức hoạt động, tập hợp quần chúng của Mặt trậnTổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các hội quần chúng theo hướng tập trung cho cơ sở, gắn liền với các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tăng cường công tác dân vận ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo; nắm chắc tình hình nhân dân; chủ động tham mưu cho cấp uỷ đảng có chủ trương, biện pháp giải quyết phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp phối hợp với Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nghiên cứu, rà soát, đánh giá, sửa đổi và bổ sung quy chế phối hợp hoạt động để Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giám sát và giữ vai trò phản biện để hoạt động của các cơ quan chính quyền tốt hơn, hiệu quả hơn. Xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, thực sự là của dân, do dân và vì dân.
5. Ban dân vận các cấp bám sát nhiệm vụ chính trị địa phương, tích cực tham mưu cho cấp ủy cùng cấp chỉ đạo đồng bộ, chặt chẽ trong cả hệ thống chính trị về công các dân vận trên tất cả các lĩnh vực; giữ vai trò hướng dẫn các đoàn thể, các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp tích cực đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng; gắn đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận của các đoàn thể, chính quyền, các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp với tổ chức phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “dân vận khéo”, đưa nội dung “dân vận khéo” thành một tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp nhằm tạo sức sống mạnh mẽ của phong trào.
Ban Dân vận các cấp chủ động phối hợp với các Ban xây dựng đảng tham mưu cho cấp ủy củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác dân vận trong cả hệ thống chính trị ở địa phương. Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác dân vận; cử những cán bộ có trình độ, uy tín, có tâm huyết, kinh nghiệm vận động quần chúng để phụ trách công tác dân vận.
6. Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Thái nguyên và các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các chuyên đề, chuyên trang về công tác dân vận, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt công tác dân vận, các điển hình tiên tiến; tập trung phản ánh các vấn đề về dân chủ xã hội, những tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, về đấu tranh ngăn chặn các tiêu cực xã hội.
Giao cho Ban Dân Vận Tỉnh uỷ chủ trì phối hợp với các Ban của Tỉnh uỷ hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện chỉ thị, và định kỳ báo cáo kết quả về Ban thường vụ Tỉnh uỷ.
Chỉ thị này được phổ biến đến các Chi bộ.
Nơi nhận: - Ban Bí thư TW Đảng (Báo cáo); - Ban Dân vận Trung ương (Báo cáo); - Văn phòng Trung ương Đảng (báo cáo); - Các Ban của Tỉnh uỷ; - Đảng đoàn HĐND tỉnh; - BCS Đảng UBND tỉnh; - Các Đảng bộ trực thuộc tỉnh; - Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; - Lưu Văn phòng Tỉnh uỷ. |
|
T/M BAN THƯỜNG VỤPHÓ BÍ THƯTHƯỜNG TRỰC
Nguyễn Văn Kim
|