Chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong lịch sử dân tộc

      Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi, dựa trên các yếu tố cấu thành chủ quyền của một số quốc gia về lãnh thổ đó là khẳng định chủ quyền về mặt nhà nước và sự đương nhiên thừa nhận trong hệ thống luật pháp và tập quán quốc tế. Việt Nam là quốc gia duy nhất có những bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý quốc gia và quốc tế về xác lập chủ quyền và khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

      Nội dung chính sách về biển của Nhà nước Việt Nam trong quá trình xác lập chủ quyền về mặt Nhà nước của hai quần đảo này luôn phù hợp với hệ thống quy phạm pháp lý quốc tế về xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ. Đó là một quốc gia khi xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ phải thể hiện đầy đủ tính chất về mặt nhà nước, tức là nhà nước đó có ban hành văn bản, chính sách và tổ chức quản lý hành chính vùng lãnh thổ đó hay không khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, đồng thời cách thức xác lập chủ quyền phải được thực hiện bởi tổ chức hành chính trực thuộc nhà nước. Xét về khía cạnh này, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực biển Đông đáp ứng đầy đủ tính chất về xác lập chủ quyền và khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về mặt nhà nước theo quy định của luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế.

       Quá trình hoạch định và triển khai chính sách biển của Việt Nam qua các triều đại phong kiến đã thể hiện rõ nét nội dung xác lập chủ quyền và quản lý hành chính đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nội dung đó đã được kế thừa và phát triển qua các thể chế nhà nước. Đặc biệt, trong chính sách biển đã khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo này. Những chứng cứ lịch sử sinh động chứng minh quá trình xác lập chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên các vùng biển đảo và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên khu vực biển Đông  luôn được xác định rõ ràng, được thể hiện qua quá trình hoạch định và thực thi chính sách biển của Việt Nam. Quá trình xác lập chủ quyền và quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Nhà nước Việt Nam hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về xác lập chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ vô chủ đương thời.

          Việt Nam trong thời Lê – Trịnh (1592-1788), đã chứng kiến sự mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam của nhà Nguyễn ở Đàng Trong. Từ khi chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) đặt nền móng cho sự mở rộng bờ cõi mà đến đỉnh cao là chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), vị chúa của những kỳ công mở rộng bờ cõi đầu thế kỷ XVII. Trong thời kỳ này, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được xác lập và đi vào quản lý, khai thác một cách đồng bộ vừa mang tính dân sự, vừa mang tính quân sự. Qua các thời kỳ lịch sử, các thể chế nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền, quản lý và khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng biển đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Nhà nước Việt Nam.

          Tuy nhiên, do vấn đề lịch sử để lại, bởi vậy chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên khu vực biển Đông đã bị một số quốc gia và vũng lãnh thổ trong khu vực bất chấp đạo lý và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế cũng như nội dung của hiến chương Liên hợp quốc và những quy định của luật biển quốc tế hiện đại đã xâm chiếm trái phép hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và một số đảo đá tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam. Điều này dẫn đến hệ quả là cuộc đấu tranh trên các phương diện bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý quốc tế, luật pháp quốc gia và phương diện ngoại giao nhằm khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là cuộc đấu tranh lâu dài.

          Tiếp cận cơ sở pháp lý quốc tế từ kết quả phân tích nội dung một số điều ước quốc tế liên quan đến xác lập chủ quyền lãnh thổ, cho thấy chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đương nhiên. Những nội dung cơ bản được quy định trong các điều ước quốc tế có thể được xem là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để Nhà nước Việt Nam làm căn cứ phục vụ cho cuộc đấu tranh trường kỳ nhằm khẳng định chủ quyền của mình, buộc các bên hữu quan có yêu sách phi lý về chủ quyền tiến hành trao trả quần đảo Hoàng Sa và một số điểm đảo đá, bãi ngầm, bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa cho Nhà nước Việt Nam theo luật pháp quốc tế, bằng biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

          Lợi dụng khoảng trống quyền lực khi thực dân Pháp rút quân ra khởi Đông Dương, tháng 4 năm 1956, Trung Quốc đã đưa quân ra chiếm đóng trái phép các đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Tháng 3 năm 1988, Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực đánh chiếm các đá, bãi cạn của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam. Sự kiện năm 1974, Trung quốc đánh chiếm các nhóm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa và năm 1988 đánh chiếm các đá, bãi cạn của quần đảo Trường Sa là hành động dùng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ của Nhà nước Việt Nam – một quốc gia có chủ quyền. Chính vì vậy, hành vi này không được luật pháp quốc tế và tập quán quốc tế thừa nhận để cấu thành chủ quyền lãnh thổ đối với Trung Quốc. Hiến chương Liên hợp quốc đã quy định: Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khai thác trái với những mục đích của Liên hợp quốc. (khoản 2 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc, ngày 26 tháng 6 năm 1945)

          Riêng đối với quần đảo Trường Sa, năm 1988 Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm 6 đảo đá thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam, bao gồm: Đảo đá Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa hay còn gọi là Huy Gơ, Gạc Ma, Xu Bi.

          Thực tiễn cho thấy hệ thống pháp luật quốc tế không thừa nhận chủ quyền cho bất kỳ quốc gia nào nếu vùng lãnh thổ đó do hành động vũ lực xâm chiếm của quốc gia khác mà có. Như vậy, từ nội dung của Hiến chương Liên hợp quốc đến các nguyên tắc của luật pháp quốc tế hiện đại quy định rất rõ về hành vi dung vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ của các quốc gia khác là hành động phi pháp và phi hiến. Thời gian có thể dần trôi theo năm tháng, nhưng chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bất biến, không bao giờ thay đổi được luật pháp quốc tế thừa nhận.

       Trang lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở trên các vùng biển và hải đảo của Tổ Quốc, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được viết bằng những giọt máu hồng, được đánh đổi bằng cả cuộc cuộc đời của lớp lớp những người con ưu tú. Chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những trang sử đẹp nhất, bi hung nhất của lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, mà bất cứ người Việt Nam chân chính nào cũng cần phải biết trân trọng và gìn giữ, không chỉ cho hôm nay mà cả cho đời sau.

Tin mới hơn

Tin cũ hơn