ThS. Trương Vũ Long
Đơn vị: Chi bộ Khoa Khoa học cơ bản & Ứng dụng
Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 được ví như tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa và cách mạng, có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho cách mạng Việt Nam, nhất là lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; định hình những quan điểm, nguyên tắc cơ bản cho thời kỳ đó và tiếp tục được bổ sung, phát triển trong nhiều năm tiếp theo. Có thể nói, ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa), thể hiện tư duy, tầm nhìn, và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Từ điểm khởi nguồn này, trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
1. Tầm ảnh hưởng của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 với giáo dục và đào tạo
Nói về mối quan hệ giữa giáo dục và văn hóa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo: Nguyễn Kim Sơn cho rằng, mối quan hệ giữa văn hóa với giáo dục đã có sự gắn bó khăng khít tới mức, đã có một thời gian dài, trong bản lý lịch cán bộ ghi “trình độ văn hóa” thay cho “trình độ học vấn”. Bộ trưởng cũng khẳng định: Giáo dục là một thiết chế văn hóa, thậm chí có thể coi là thiết chế lớn nhất, là một lĩnh vực của văn hóa, và bản thân nó cũng chính là văn hóa. Giáo dục và đào tạo là con đường để tạo dựng các giá trị văn hóa, bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa, sáng tạo văn hóa và từ đó điều chỉnh, phát triển văn hóa..
Trong kết cấu của một nền văn hóa, giáo dục và đào tạo đóng vao trò tiên quyết và là cơ sở cho tất cả các vấn đề văn hóa còn lại. Vai trò của giáo dục đào tạo là định hướng, dẫn dắt sự hình thành và phát triển nhân cách của con người. Một nền giáo dục tiên tiến, đi trước dẫn đường cho nhân cách, điều chỉnh các yếu tố nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhân cách theo hướng tích cực. Bên cạnh cung cấp những tri thức khoa học, vai trò tối quan trọng cua giáo dục và đào tạo là xây dựng đạo đức, lý tưởng cho con người, đây cũng là cơ sở cho việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Với tính khái quát cao và tầm phổ quát rộng lớn Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là cơ sở để vận dụng vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho các thế hệ con người Việt Nam đặc biệt là bộ phận học sinh, sinh viên. Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ và chủ trương hội quốc tế của Việt Nam, việc vận dụng những lý luận cơ bản trong đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 vào thực tiễn càng trở nên cấp thiết.
2. Nội dung cơ bản của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943
Nội dung cơ bản của Đề cương thể hiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc, như sau:
Thứ nhất, xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đề cương nêu rõ: văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động, không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Đồng thời, có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.
Thứ hai, cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo. Trên cơ sở chỉ rõ tính chất văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại (1943), chỉ rõ những nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị của Nhật - Pháp; những thủ đoạn của Nhật - Pháp trói buộc và giết chết văn hóa Việt Nam; dự kiến về tiền đồ văn hóa Việt Nam. Đề cương khẳng định cách mạng nhất định thắng lợi, văn hóa Việt Nam sẽ cởi được xiềng xích, đuổi kịp văn hóa mới, tiến bộ trên thế giới. Muốn vậy, phải làm cách mạng về văn hóa, “cách mạng vǎn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”.
Thứ ba, để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động”, đó là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới. Trong đó: Dân tộc hóa là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho trí thức có lòng tự hào, dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam; Khoa học hóa là tạo điều kiện cho nền văn hóa dân chủ mới nhanh chóng thoát khỏi sự kìm hãm ấy, nhằm phát triển về mọi mặt trên cơ sở khoa học, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi suy nghĩ, hành động; chống lại tất cả những cái cũ kĩ, lạc hậu, dị đoan; Đại chúng hóa là văn hóa của Nhân dân, phục vụ Nhân dân, làm cho mọi người biết đọc, biết viết, biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật và dần dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc và loài người tạo ra; chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng.
Đảng ta cũng khẳng định: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng vǎn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm...”. Có thể thấy, ba nguyên tắc trên là sự trả lời đúng đắn và kịp thời cho các nhu cầu cấp thiết nổi lên trong một thời điểm trọng đại của lịch sử. Dân tộc, khoa học, đại chúng đã khẩu hiệu, trở thành tính chất, đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, giàu bản sắc do Nhân dân sáng tạo với khát vọng không ngừng vươn đến Chân - Thiện - Mỹ, hướng đến tiến bộ, văn minh.
Thứ tư, để đặt nền móng và định hướng xây dựng một nền văn hóa cách mạng mới, cần kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ “xây” và “chống”. Đề cương nhấn mạnh nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít là phải chống lại văn hóa phátxít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân; phát huy văn hóa dân chủ, cải cách chữ quốc ngữ…
Có thể khẳng định Đề cương về văn hóa năm 1943 là văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Năm 1981, đồng chí Trường Chinh đánh giá: “Đề cương về văn hóa Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế, vì trong hoàn cảnh bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam … Nhưng Đề cương về văn hóa đã thâu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong điều kiện lúc đó của cách mạng Việt Nam” . Đề cương không chỉ có giá trị trong chỉ đạo hoạt động văn hóa - xã hội mà còn có ý nghĩa đối với việc xây dựng, hoàn thiện lý luận về nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”
3. Vận dụng Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp
Giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đối với việc giáo dục, đào tạo con người mới cho xã hội. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Đảng bộ và Các tổ chức chính trị của trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên luôn xem việc giáo dục đạo đức, lý tưởng cho sinh viên là nhiệm vụ hàng đầu. Tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho sinh viên được trực tiếp thực hiện thông qua nội dung giảng dạy các học phần lý luận chính trị trong chương trình đào tạo, đồng thời Đảng ủy Nhà trường giao cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm lồng ghép trong các hoạt động phong trào như: văn hóa, văn nghệ, thể thao và các hoạt động xã hội…
Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của Nhà trường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên luôn được thực hiện nhất quán theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, được sự hướng dẫn sát sao của Ban Tuyên giáo Tỉnh và Đảng bộ Nhà trường, về cơ bản luôn quá triệt tinh thần của Đề cương Văn hóa năm 1943. Có thể đánh giá ở những mặt như sau:
Thứ nhất: Đảng bộ nhà trường và các tổ chức chính trị chủ chốt luôn nhận thức được tầm quan trọng của mặt trận văn hóa trong nhiệm vụ trọng tâm của mình. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho sinh viên được quan tâm hàng đầu. Các phương hướng, chiến lược, giải pháp quan trọng đều đực thực hiện song song với việc xây dựng văn hóa của Nhà trường. Trong công tác giảng dạy, các thầy cô giáo luôn là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, là hình mẫu cho sinh viên noi theo. Trong nội dung các môn học lý luận chính trị, luôn đề cao việc xây dựng lý tưởng, đạo đức, lối sống mới, tiến bộ, văn minh, phù hợp với định hướng cách mạng của Đảng. Trong công tác Đoàn và phong trào sinh viên do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Nhà trường, Hội sinh viên của trường luôn hướng đến những giá trị văn hóa cốt lõi, tinh thần, lý tưởng cách mạng của sinh viên. Ngoài ra Nhà trường đã xây dựng được những giá trị văn hóa quý báu, gắn liền với lịch sử phát triển của mình, các lớp thế hệ sinh viên và nhà trường luôn có sự gắn bó lâu dài và mật thiết.
Thứ hai: Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Nhà trường, Ban tuyên giáo và các tổ chức chính trị của Nhà trường được thể hiện rõ trong mọi chủ trương, chiến lược phát triển về văn hóa chung của Trường. Đảng bộ Nhà trường thường xuyên tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết, có tư duy, tầm nhìn dài hạn, ứng phó linh hoạt với sự vận động của thời đại. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp thực hiện các hoạt động phong trào nhằm tạo ra các giá trị văn hóa tốt đẹp, xây dựng những nét văn hóa mang đậm dấu ấn của riêng của Nhà trường, đồng thời rất nỗ lực trong việc nâng cao hiệu quả của việc truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần nhiệt huyết và lý tưởng cách mạng trong sinh viên.
Thứ ba: Trên mặt trận văn hóa, Đảng bộ và toàn thể nhà trường luôn quán triệt các nguyên tắc cơ bản “Dân tộc hóa”, “Đại chúng hóa” và “Khoa học hóa”. Ngoài việc phát huy tinh thần của dân tộc Việt Nam, trong mọi chủ trương của Nhà trường, đều phát huy tối đa yếu tố lịch sử, truyền thống của mình. Với bề dày hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã tạo được những dấu ấn, bản sắc và văn hóa rất riêng và biến những giá trị đó trở thành sức hút của mình. Đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên, nguyên tắc “Dân tộc hóa” là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Trong tất cả các hoạt động văn hóa của Nhà trường, tinh thần dân tộc và truyền thống của Nhà trường luôn là màu sắc chủ đạo. Các hoạt động bám sát những sự kiện quan trọng của đất nước, những ngày kỷ niệm, ngày lễ trọng đại của dân tộc và những ngày truyền thống của Nhà trường đã góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, niềm vinh dự về Nhà trường trong sinh viên.
Trong thời đại ngày nay và đặc thù phát triển của mọi cơ sở giáo dục đào tạo, “đại chúng hóa” chính là tầm ảnh hưởng và uy tín đối với xã hội. Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên đã và đang là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học; tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Nguyên tắc “Đại chúng hóa” trong công tác giáo dục lý tưởng cho sinh viên thể hiện ở sợi dây liên kết giữa Nhà trường và xã hội, Nhà trường với gia đình và Nhà trường với sinh viên. Mọi hoạt động của nhà trường đều lấy sinh viên làm đối tượng hàng đầu. Nhà trường luôn chú trọng công tác chủ nhiệm lớp và cố vấn học tập, kịp thời giúp đỡ, tư vấn cho sinh viên trong mọi hoàn cảnh. Có thể nói, những chính sách của nhà trường đã tạo được uy tín cao đối với sinh viên, gia đình và xã hội.
Là một trường đại học thuộc khối ngành kỹ thuật nên nguyên tắc “Khoa học hóa” mang ý nghĩa sống còn trong sứ mệnh và tầm nhìn của Nhà trường. Với khẩu hiệu “Kỹ sư Việt Nam phải làm ra công nghệ của người Việt Nam” đã thể hiện rõ định hướng và quyết tâm trong sứ mệnh góp phần thực hiện thành công chủ trương Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Nhà trường. Trong những hoạt động của Nhà trường, việc khuyến khích, tạo điều kiện cho sinh viên được thực hiện việc nghiên cứu các công trình khoa học ngay từ những năm đầu đã xây dựng niềm đam mê khoa học, sự tự tin, sáng tạo trong sinh viên. Đối với những hoạt động của phong trào Đoàn, Hội cũng luôn ưu tiên những hoạt động học thuật, nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ. Nguyên tắc “Khoa học hóa” có thể hiểu là hướng đến một nền văn hóa tiến bộ, hướng về phía trước, xây dựng một lề lối tư duy, phong cách làm việc khoa học. Trường đại học kỹ thuật Công nghiệp – Đại học thái nguyên luôn cố gắng xây dựng cho sinh viên một lề lối, tác phong học tập và rèn luyện ngay ngắn, hợp lý và khoa học.
Thứ tư, đối với sứ mệnh xây dựng một nền văn hóa cách mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Chủ nghĩa Mác và đấu tranh phản biện những tư tưởng lạc hậu, phản tiến bộ, phản cách mạng. Đảng ủy, Ban tuyên giáo Nhà trường và Đoàn thanh niên luôn thể hiện được vai trò định hướng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng chung cho toàn thể cán bộ, đảng viên của nhà trường cũng như đông đảo quần chúng và sinh viên. Ngoài việc nâng cao vai trò của việc giảng dạy Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Pháp luật, Nhà trường luôn tích cực tuyên truyền, giáo dục về nền tảng tư tưởng thông qua các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ ca ngợi Đảng, Nhà nước như: tham gia thường xuyên và có thành tích cao trong cuộc thi Olympic “Chủ nghĩa Mác – Lênin – Ánh sáng soi đường”, tăng cường việc thực hiện các chỉ thị về học tập làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong sinh viên,… Ngoài việc xây dựng một môi trường lành mạnh, văn minh, Nhà trường cũng thường xuyên đẩy mạnh việc nắm bắt và định hướng dư luận trong nhà trường để kịp thời xử lý uốn nắn những biểu hiện sai lệch trong tư tưởng của cán bộ, giáo viên và sinh viên trong Nhà trường, đồng thời tích cực tuyên truyền vận động sinh viên cảnh giác và tránh xa những luồng tư tưởng tiêu cực như các hoạt động tín ngưỡng bất chính, mê tín dị đoan, những lối sống cực đoan,…
Trường Đại học kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái nguyên là cơ sở đào tạo có lịch sử lâu đời và truyền thống đáng tự hào, là đơn vị đi đầu trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội của Đất nước. Trong tiến trình phát triển của mình, Nhà trường luôn quán triệt sâu sắc tinh thần của “Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943” trong quyết tâm xây dựng một môi trường đào tạo hàng đầu, vừa có chất lượng tốt vừa có văn hóa đậm chất riêng vừa văn minh, tiến bộ.
Nghiên cứu “Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943” chúng ta thấy được tầm nhìn vĩ đại của các thế hiện lãnh đạo của Đảng Nhà nước đi trước. Đề cương về Văn hóa Việt Nam không chỉ soi đường cho quốc dân đi mà còn như một triết lý sống để thế hệ thanh niên sinh viên Việt Nam rèn luyện và tu dưỡng. Đặc biệt, trong giai đoạn Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực như chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ,... những chủ nhân tương lai của đất nước cần trở thành lực lượng xung kích đi đầu trên mọi lĩnh vực, là lớp người “xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Chúng ta tự hào về những thành tựu và di sản cha ông ta để lại, đồng thời cần có trách nhiệm gìn giữ, bảo lưu và phát triển phù hợp với xu thế thời đại.