Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc” đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc Việt Nam hiện nay

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về nền độc lập của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đem lại cho cách mạng Việt Nam thế và lực mới. Đảng ta từ một đảng hoạt động bất hợp pháp trở thành đảng cầm quyền, nhân dân ta được giải phóng khỏi cuộc đời nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước.

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời đã đứng trước những khó khăn, thách thức tưởng chừng khó vượt qua của thù trong, giặc ngoài và những khó khăn về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội... mà chế độ thực dân, phong kiến để lại. Nước ta còn nằm trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và các chính quyền phản động trong khu vực. Nhân dân ta còn chưa nhận được sự giúp đỡ trực tiếp của các nước xã hội chủ nghĩa và lực lượng tiến bộ trên thế giới. Nền kinh tế vốn nghèo nàn, lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Nạn đói năm 1945 làm 2 triệu người chết, tiếp đó là lũ lụt, hạn hán kéo dài làm 50% ruộng đất bị bỏ hoang. Sản xuất nông nghiệp đình đốn, tài chính khô kiệt, kho bạc trống rỗng, Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp. Trình độ văn hoá của nhân dân ta thấp kém, 90% số dân mù chữ. Ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng ồ ạt tràn qua biên giới, kéo theo là Việt Quốc, Việt Cách, chúng lập chính quyền phản động ở một số nơi, cướp của giết người và chống phá chính quyền cách mạng. Ở miền Nam, quân Anh với danh nghĩa đồng minh kéo vào nước ta tiếp tay cho thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. “Tổ quốc lâm nguy! Vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc!”.

Trước tình hình đó, ngày 25/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc. Dựa trên những nhận định về tình hình khách quan và chủ quan, về tình hình của ta và địch, Chỉ thị chỉ rõ: Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành vì nước chưa được hoàn toàn độc lập. Chỉ thị xác định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng. Chỉ thị cũng đề ra nhiệm vụ cần kíp của nhân dân Đông Dương đối với cách mạng thế giới là phải tranh đấu để thực hiện triệt để hiến chương các nước liên hiệp, ủng hộ Liên Xô, xây dựng hoà bình thế giới, mở rộng chế độ dân chủ ra các nước, giải phóng cho các dân tộc thuộc địa. Đối với cách mạng Việt Nam, nhiệm vụ riêng, cần kíp là phải củng cố chính quyền chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân. Trong những nhiệm vụ đó, nhiệm vụ bao trùm là củng cố chính quyền. Để củng cố chính quyền cách mạng, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ “kháng chiến” và “kiến quốc”.

Chỉ thị vạch ra những biện pháp toàn diện và cơ bản để thực hiện. Về nội chính: Một mặt xúc tiến việc đi đến thành lập Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức. Về quân sự: Động viên lực lượng toàn dân, kiên trì kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài; phối hợp chiến thuật du kích với phương pháp bất hợp tác đến triệt để. Về ngoại giao: Nắm vững nguyên tắc thêm bạn, bớt thù, biểu dương thực lực; kiên trì chủ trương ngoại giao với các nước theo nguyên tắc “bình đẳng và tương trợ”. Đối với Tưởng Giới Thạch, vẫn chủ trương Hoa - Việt thân thiện, coi Hoa kiều như dân tối huệ quốc. Đối với Pháp, thực hành độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế. Về tuyên truyền: Kêu gọi đoàn kết, chống chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược. Phản đối chia rẽ nhưng chống sự thống nhất vô nguyên tắc với thế lực phản quốc; chống mọi mưu mô phá hoại, chia rẽ của phái Tờ-rốt-xki, Đại Việt, Việt Nam Quốc dân đảng và nâng cao sự tin tưởng của quốc dân vào thắng lợi cuối cùng, khêu gợi chí căm hờn chống thực dân Pháp nhưng tránh khuynh hướng “vị chủng”. Chống thực dân Pháp xâm lược. Không công kích nhân dân Pháp, chỉ công kích bọn thực dân Pháp xâm lược. Về kinh tế và tài chính: Mở lại các nhà máy do Nhật bỏ; khai thác các mỏ, cho tư nhân được góp vốn vào việc kinh doanh các nhà máy và mỏ ấy; khuyến khích các giới công thương mở hợp tác xã, mở các hội cổ phần tham gia kiến thiết lại nước nhà. Thực hiện khuyến nông, sửa chữa đê điều, lập quốc gia ngân hàng, phát hành giấy bạc, định lại ngạch thuế, lập ngân quỹ toàn quốc, các xứ, các tỉnh. Về cứu tế: Kêu gọi lòng yêu nước thương nòi của các giới đồng bào, lập quỹ cứu tế, lập kho thóc cứu tế, tổ chức “bữa cháo cầm hơi”… Động viên thanh niên nam, nữ tổ chức thành các đoàn “cứu đói”, và các “đội quân trừ giặc đói” để trồng trọt khai khẩn, lấy lương cho dân nghèo, hay quyên cho các quỹ cứu tế, tổ chức việc tiếp tế, mua gạo nhà giàu bán cho nhà nghèo theo giá hạ, chở gạo chỗ thừa sang chỗ thiếu… Về văn hoá: Tổ chức bình dân học vụ, tích cực bài trừ nạn mù chữ, mở các trường đại học và trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách dạy học nhồi nhét, cổ động văn hoá cứu quốc, kiến thiết nền văn hoá mới theo ba nguyên tắc: Khoa học hoá, đại chúng hoá, dân tộc hoá. Về Đảng, phải duy trì hệ thống tổ chức bí mật và nửa công khai của Đảng, phát triển thêm đảng viên, đặc biệt chú trọng gây cơ sở xí nghiệp của Đảng cho thật rộng, làm sao cho sự phát triển của Đảng ăn nhịp với sự phát triển của công nhân cứu quốc; giữ vững sinh hoạt của Đảng; thành lập đảng đoàn trong các cơ quan hành chính và các đoàn thể quần chúng; xây dựng hệ thống tổ chức đảng trong quân đội… Về Mặt trận Việt Minh, hết sức phát triển các tổ chức cứu quốc. Thống nhất các tổ chức ấy lên toàn kỳ, toàn quốc; sửa chữa lại điều lệ cho các đoàn thể cứu quốc cho thích hợp với hoàn cảnh mới; mở rộng Mặt trận Việt Minh, lập các đoàn thể cứu quốc mới, giải quyết những mâu thuẫn giữa Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban Việt Minh; củng cố quyền lãnh đạo của Đảng trong Mặt trận, thống nhất Mặt trận Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia chống Pháp xâm lược. Chỉ thị còn đề ra các biện pháp thực hiện những nhiệm vụ cụ thể về chính quyền, kháng chiến ở Nam Bộ, về chống và đề phòng nạn đói, về tổng quyển cử…

Các nội dung của bản chỉ thị được khái quát thành hai nhiệm vụ chiến lược “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Kháng chiến và kiến quốc đi đôi với nhau, gắn chặt với nhau, là tiền đề và cơ sở của nhau. Vừa kháng chiến vừa xây dựng chế độ mới về mọi mặt từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở, vừa đánh giặc, vừa xây dựng, phát triển thực lực cách mạng; vừa đánh địch ở tiền tuyến, vừa củng cố, mở rộng hậu phương, vừa đánh địch vừa bồi dưỡng sức dân. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công thì kháng chiến mới thắng lợi. Đồng bào cả nước ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược đó với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Nhiệm vụ bao trùm là củng cố, phát triển chính quyền nhân dân để động viên, tổ chức toàn dân kháng chiến và kiến quốc. Điều kiện cốt tử là đoàn kết toàn dân, phát huy khả năng của toàn dân ... Có thể nói, đây là Cương lĩnh hành động cách mạng đầu tiên về giữ nước đi đôi với dựng nước mà Đảng ta chỉ ra cho toàn quân và toàn dân.

Để tiến hành trường kỳ kháng chiến chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra rằng, muốn tiến lên giành thắng lợi triệt để, nhất thiết phải tiến hành chiến tranh nhân dân, từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy... Do vậy, phải xây dựng được các căn cứ du kích, căn cứ địa cách mạng và hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến. Xây dựng hậu phương vững chắc phải toàn diện cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa - tư tưởng với quy mô ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu thực tế phát triển của cách mạng. Không có hậu phương vững chắc thì không thể nào chiến thắng nổi quân địch. Đảng ta luôn nhấn mạnh phải tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, chống tư tưởng ỷ lại, nhưng trong đường lối đối ngoại vẫn không được tách rời tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của nhân dân cách mạng trên toàn thế giới, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc, nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Dựng nước đi đôi với giữ nước là một quy luật tất yếu trong quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo quy luật này bằng cương lĩnh hành động “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” trong hoàn cảnh đất nước ta vừa mới giành được độc lập đã phải chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của một đế quốc lớn, có quân đội viễn chinh thiện chiến, có vũ khí, đạn dược tối tân. Để thu hẹp khoảng cách về so sánh lực lượng, ta phải vừa đánh địch, vừa xây dựng, củng cố chính quyền và chế độ mới vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm thất bại âm mưu chia rẽ của kẻ thù; giữ vững căn cứ địa, mở rộng vùng tự do, xây dựng hậu phương vững chắc để cung cấp nhân tài, vật lực cho kháng chiến.

Chỉ thị là bước đi hợp lý, là biện pháp cần thiết sau khi giành chính quyền nhằm cũng cố chế độ, giải quyết những khó khăn của quần chúng càng làm tăng cường sự gắn bó chặt chẽ của nhân dân với cách mạng. Chỉ thị thể hiện sự sáng tạo trong việc giải quyết chỉ đạo chiến lược và sách lược của Đảng trong tình hình mới, chiến lược ở đây được hiểu là chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, còn sách lược ở đây là những biện pháp cụ thể có tính mềm dẻo, khôn khéo, giải pháp mang tính tạm thời nhưng vẫn hướng tới mục tiêu chiến lược đó là giải phóng dân tộc. 

Bản Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, nhãn quan chính trị của một chính Đảng mới ra hoạt động công khai chưa bao lâu trên một loạt vấn đề liên quan trực tiếp tới sự nghiệp bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, bảo vệ Nhà nước dân chủ nhân dân - thành quả cao nhất của Cách mạng tháng Tám 1945, tạo tiền đề cơ bản đưa cách mạng Việt Nam tiến lên. Đó là việc xác định rõ tính chất và nhiệm vụ chiến lược của giai đoạn cách mạng từ sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám, xác định và phân loại chính xác kẻ thù, phương hướng cơ bản vừa kháng chiến vừa kiến quốc, một loạt giải pháp nhằm xây dựng và tăng cường thực lực cho cuộc kháng chiến, những quan điểm cơ bản về chỉ đạo chiến tranh và những nội dung chính của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh... Trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” lúc bấy giờ, những chiến lược và sách lược được thể hiện trong bản Chỉ thị lịch sử “Kháng chiến kiến quốc” của Đảng Cộng sản Đông Dương thực sự là ánh sáng soi đường cho toàn dân, toàn quân trong cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ sự sống còn của dân tộc.           

Gần 80 năm đã trôi qua, kể từ ngày Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến và kiến quốc, tuy khoảng thời gian đó chưa phải là dài so với chiều dài lịch sử của đất nước, nhưng những giá trị lịch sử của Chỉ thị năm ấy luôn được Đảng và Nhân dân thế hệ sau gìn giữ, kế thừa và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, trong hoàn cảnh đất nước hòa bình, đổi mới xây dựng đất nước XHCN, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, nhưng “các thế lực  thù địch vẫn đang ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo’ hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta”, Đảng ta  đề ra hai nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là Cương lĩnh hành động cách mạng thứ hai về dựng nước đi đôi với giữ nước trong hoàn cảnh mới mà Đảng vạch ra cho toàn dân và toàn quân ta. Vì thế, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải có trình độ giác ngộ sâu sắc về mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN trong hòa bình, bảo vệ hòa bình là tiền đề cơ bản để xây dựng, phát triển đất nước. Đất nước hòa bình, ổn định và phát triển mọi mặt là nền tảng tạo nên sức mạnh của quốc phòng - an ninh. Xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu; bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn dân, của Nhà nước. Chống quan điểm, tư tưởng coi nhẹ nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc” ra đời cách đây gần 80 năm nhưng ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị. Không chỉ là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, bất khuất và lòng quyết tâm chống ngoại xâm của dân tộc ta, đây còn là Cương lĩnh về khát vọng hòa bình, tiếp thêm sức mạnh cho toàn dân tộc vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày hôm nay dân tộc Việt Nam được sống trong tự do, hòa bình độc lập là nhờ có Đảng và Bác Hồ chỉ đường dẫn lối. Các tầng lớp nhân dân luôn hướng về Đảng, luôn tin tưởng vào những chỉ thị, nghị quyết, những quyết sách đúng đắn của Đảng sẽ mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân giao phó.

Tin mới hơn

Tin cũ hơn