Tìm hiểu một số nội dung cơ bản của công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982

Tống Thị Phương Thảo – Bộ môn Lý luận chính trị - Đại học Kỹ thuật Công nghiệp

             Công ước Liên hợp quốc 1982 về Luật biển (sau đây gọi là Công ước 1982 hoặc Công ước Luật biển) được thông qua tại Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về biển, là một văn kiện toàn diện về biển. Công ước không chỉ được các quốc gia có biển mà ngay cả các quốc gia không có biển cũng rất quan tâm. Nó không chỉ bao gồm các điều khoản mang tính điều ước mà còn là văn bản pháp điển hoá các quy định mang tính tập quán. Với 320 điều khoản chứa đựng trong 17 phần và 9 phụ lục, Công ước 1982 thực sự là một bản hiến pháp về biển của cộng đồng quốc tế và là một trong những thành tựu có ý nghĩa trong lĩnh vực luật quốc tế của thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, Công ước 1982 đưa ra các quy định tổng thể có tính chất bao trùm trong hầu hết các lĩnh vực biển: cách xác định các vùng biển, chế độ pháp lý của các vùng biển; các quy định về hàng hải và hàng không; sử dụng, khai thác và quản lý các tài nguyên biển, sinh vật và không sinh vật; bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; an ninh trật tự trên biển, đấu tranh chống các tội phạm trên biển; vấn đề phân định biển và giải quyết các tranh chấp quốc tế liên quan đến biển.

Công ước luật biển 1982 có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 11 năm 1994, tức là sau 12 tháng kể từ ngày nước Guyana (nước thứ 60) phê chuẩn Công ước vào ngày 16 tháng 11 năm 1993. Đến tháng 11 năm 1996 Công ước đã có 108 nước phê chuẩn. Công ước luật biển 1982 vừa là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng giúp các quốc gia trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên của biển cả vừa là cơ sở pháp lý cho các quốc gia trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ biển cả. Công ước luật biển 1982 bao gồm một số nội dung cơ bản sau đây:

 1. Các vùng biển và quy chế pháp lý của chúng

Công ước luật biển năm 1982 đã định ra khung pháp lý cho các quốc gia trong việc xác định các vùng biển và Quy chế pháp lý của chúng; xác định ranh giới, biên giới trên biển giữa các quốc gia. Theo Công ước thì mỗi quốc gia ven biển có năm vùng biển, bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Ngoài năm vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển ra thì Công ước còn quy định các vấn đề về Biển cả và Vùng (di sản chung của loài người), trên đó tất cả các quốc gia đều có quyền tự do sử dụng, khai thác, v.v… với điều kiện không làm phương hại hoặc đe doạ làm phương hại tới các nước khác, vì mục đích hoà bình và bảo vệ, giữ gìn môi trường biển.

1.1. Nội thuỷ

Nội thuỷ là vùng nước nằm phía bên trong của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, tại đó các quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền. Điều 8 Công ước quy định: “Trừ trường hợp đã được quy định ở phần IV, các vùng nước ở phía bên trong đường cơ sở của lãnh hải thuộc nội thuỷ của quốc gia”. Phần IV - phần được loại trừ ở đây là phần quy định về quốc gia quần đảo, quy định: “Ở phía trong vùng nước quần đảo, quốc gia quần đảo có thể vạch những đường khép kín để hoạch định ranh giới nội thuỷ của mình theo đúng các điều 9, Điều 10, Điều 11” (Điều 50 của Công ước về hoạch định ranh giới nội thủy).

Vùng nước nội thuỷ bao gồm các vùng nước cảng biển, các vũng tàu, cửa sông, các vịnh, các vùng nước nằm kẹp giữa lãnh thổ đất liền và đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Việc xác định đường cơ sở của quốc gia ven biển phải tuân thủ đúng Công ước về cách xác định đường cơ sở thông thường (Điều 5); về cách xác định đường cơ sở thẳng (Điều 7). Nếu việc xác định đường cơ sở sai so với công ước thì tàu thuyền nước ngoài vẫn được quyền đi qua không gây hại trên vùng nước đó theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Công ước: “Khi một đường cơ sở được vạch ra theo đúng phương pháp được nói ở Điều 7 gộp vào nội thủy các vùng nước trước đó chưa được coi là nội thuỷ thì quyền đi qua không gây hại nói trong Công ước vẫn được áp dụng ở các vùng nước đó”.

Trong vùng nước nội thuỷ, mặc dù quốc gia ven biển có chủ quyền tuyệt đối, hoàn toàn và đầy đủ như trên đất liền. Tuy nhiên, chủ quyền này chỉ được áp dụng đối với con tàu chứ không phải đối với cá nhân, pháp nhân, người nước ngoài ở trên tàu đó.

1.2. Lãnh hải

Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thuỷ của mình, và trong mọi trường hợp một quốc gia quần đảo, ra ngoài vùng nước quần đảo đến một vùng biển tiếp liền gọi là lãnh hải. Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất dưới đáy của vùng biển này (Điều 2 Công ước);

Mọi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình; chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước (Điều 3 Công ước);

Ranh giới phía ngoài của lãnh hải là một đường mà mỗi điểm ở trên đường đó cách điểm gần nhất của đường cơ sở một khoảng cách bằng chiều rộng lãnh hải (Điều 4 Công ước);

Trong lãnh hải, quốc gia ven biển được quyền thực hiện chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ nhưng không là tuyệt đối, bởi trên lãnh hải thì tàu thuyền nước ngoài được quyền đi qua vô hại. Quyền qua lại tức là quyền đi ở trong lãnh hải, nhằm mục đích: Đi ngang qua nhưng không đi vào nội thuỷ, không đậu lại trong một vũng tàu hoặc một công trình cảng ở bên ngoài nội thuỷ; hoặc Đi vào hoặc rời khỏi nội thuỷ; hoặc đậu lại hay rời khỏi một vũng tàu hoặc một công trình cảng ở ngoài nội thuỷ nêu trên.

Việc đi qua phải liên tục và nhanh chóng. Tuy nhiên, việc đi qua bao gồm cả việc dừng lại và thả neo, nhưng chỉ trong trường hợp gặp phải những sự cố thông thường về hàng hải hoặc vì một trường hợp bất khả kháng hay mắc nạn hoặc vì mục đích cứu giúp người, tàu thuyền hay phương tiện bay đang lâm nguy hoặc mắc nạn (Điều 18 Công ước). Việc qua lại được coi là không gây hại chừng nào nó không làm phương hại đến hoà bình, trật tự hoặc an ninh của quốc gia ven biển.

1.3. Vùng tiếp giáp lãnh hải

Vùng biển tiếp giáp với lãnh hải gọi là vùng tiếp giáp. Vùng tiếp giáp rộng 24 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (Điều 33 Công ước). Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia, bao gồm quyền tài phán nhằm ngăn ngừa và quyền tài phán trừng trị những vi phạm trong các lĩnh vực về hải quan; thuế khoá; y tế; nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình (Điều 33 Công ước). Ngoài ra, theo quy định tại Điều 303 Công ước quy định về các hiện vật khảo cổ và lịch sử được phát hiện ở biển thì: “Các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ các hiện vật có tính chất khảo cổ hay lịch sử được phát hiện ở biển, các quốc gia hợp tác với nhau vì mục đích ấy; Để kiểm soát việc mua bán hiện vật này, bằng cách áp dụng Điều 33 (Vùng tiếp giáp) quốc gia ven biển có thể coi việc lấy các hiện vật đó từ đáy biển trong vùng nói ở điều đó mà không có sự thoả thuận của mình là sự vi phạm các luật và quy định của quốc gia ven biển ở trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình đã được nêu ở Điều 33”.

1.4. Vùng đặc quyền kinh tế

Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, đặt dưới chế độ pháp lý riêng quy định trong phần này, theo đó quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền tự do của các quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều hành (Điều 55 Công ước). Trong vùng đặc quyền kinh tế thì quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về kinh tế và quyền tài phán. Quyền chủ quyền về kinh tế bao gồm các quyền đối với khai thác tài nguyên sinh vật (Điều 62), tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Hoạt động khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế đem lại lợi ích cho quốc gia ven biển như khai thác năng lượng nước, hải lưu, gió, v.v… Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển. Quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển bao gồm quyền lắp đặt, sửa chữa các đảo nhân tạo, công trình, thiết bị trên biển; quyền nghiên cứu khoa học biển; quyền bảo vệ môi trường.

Các quốc gia khác có các quyền tự do biển cả như: quyền tự do hàng hải; quyền tự do bay; quyền tự do lắp đặt dây cáp, ống dẫn ngầm; các quyền tự do khác phù hợp với quy định của Công ước. Các quốc gia ven biển phải ra tuyên bố để xác lập vùng đặc quyền kinh tế của mình.

1.5. Thềm lục địa

Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến mép ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi mép ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó có khoảng cách gần hơn (khoản 1 Điều 76 Công ước).

Bản chất pháp lý của thểm lục địa theo Công ước được xác định trên nguyên tắc “đất thống trị biển”; quyền chủ quyền của quốc gia trên thềm lục địa là chủ quyền đương nhiên và ngay từ ban đầu (có quốc gia ven biển là có thềm lục địa), nó không phụ thuộc vào bất kỳ sự chiếm hữu thật sự hay danh nghĩa nào. Điều này khác với vùng đặc quyền kinh tế, tại vùng đặc quyền kinh tế nếu quốc gia ven biển khai thác không hết thì các quốc gia khác có quyền yêu cầu khai thác phần còn lại dư ra, còn thểm lục địa thì các quốc gia khác không có quyền này. Các quốc gia ven biển không cần phải ra tuyên bố về việc xác lập quyền chủ quyền trên thềm lục địa, nếu có tuyên bố chỉ là làm rõ thêm tính chất quản lý nhà nước của quốc gia ven biển mà thôi.

Tính chất pháp lý trên thềm lục địa: Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với tài nguyên khoáng sản không sinh vật (chủ yếu dầu khí, kim loại, cát sỏi, v.v…) và tài nguyên sinh vật thuộc loài định cư; quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc khoan, đào, nổ, v.v… trên thềm lục địa. Quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với các đảo nhân tạo, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, lắp đặt các công trình, thiết bị trên biển, v.v… Đối với các quốc gia khác trên thềm lục địa có các quyền về tự do hàng hải; tự do bay; tự do đặt dây cáp, ống dẫn ngầm song phải có sự thông báo trước với quốc gia ven biển.

1.6. Biển cả

Biển cả là vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thuỷ của một quốc gia ven biển cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của một quốc gia quần đảo (Điều 86 Công ước). Trên biển cả với mục đích hoà bình, tất cả các quốc gia có quyền tự do hàng hải; tự do bay; tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm; tự do đánh bắt; tự do nghiên cứu khoa học; tự do lắp đặt các đảo nhân tạo, công trình, thiết bị trên biển đồng thời có các nghĩa vụ trấn áp buôn bán nô lệ; trấn áp buôn bán, vận chuyển, mua bán chất ma tuý; trấn áp tất cả các hoạt động phát sóng không được phép từ biển cả; trấn áp cướp biển; bảo vệ môi trường. Các quốc gia ven biển có quyền truy đuổi: việc truy đuổi có thể ra đến biển cả, chỉ chấm dứt khi nó chạy vào lãnh hải của quốc gia khác; việc truy đuổi phải liên tục nhưng không nhất thiết bằng một con tàu, phương tiện của mình mà có quyền liên hệ với các phương tiện khác để truy đuổi; lực lượng truy đuổi phải chính quy. Quốc gia ven biển có quyền can thiệp ở biển cả, và bắt giữ, sử dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển.

1.7. Đáy biển (Vùng đáy đại dương)

Vùng và tài nguyên của nó là di sản chung của loài người (Điều 136 Công ước). Vùng nằm ngoài rìa lục địa của quốc gia ven biển.

Chế độ pháp lý của vùng: vì là di sản chung của loài người nên Vùng không thuộc sự chiếm hữu của bất kỳ quốc gia nào; tất cả các quốc gia được phép sử dụng Vùng vì mục đích hoà bình; tất cả các quốc gia được quyền sử dụng, quản lý, khai thác một cách công bằng trên vùng. Quản lý vùng có cơ quan quyền lực đáy đại dương có trụ sở tại jamaica, tổ chức điều hành của cơ quan gồm Hội nghị các nước thành viên và Hội đồng gồm 36 thành viên, trong đó 18 thành viên được phân bổ theo tiêu chuẩn địa lý (như hội đồng bảo an) và 18 thành viên được phân chia gồm 4 nước xuất khẩu nhiều nhất về quặng được khai thác; 4 nước sản xuất nhiều nhất; 4 nước nhập khẩu nhiều nhất; 6 nước còn lại đại diện cho các quyền lợi khác (Điều 161 Công ước). Dưới cơ quan quyền lực đáy đại dương có các xí nghiệp.

2. Vấn đề bảo vệ và gìn giữ môi trường biển

Ngoài nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển được quy định trong phần các vùng biển thì Công ước luật biển năm 1982 đã dành hẳn một phần - phần XII với 46 điều đề cập đến vấn đề bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, với các nội dung chính bao gồm:

Công ước xác định nguồn ô nhiễm môi trường biển, phân loại khoa học và thống nhất các nguồn ô nhiễm môi trường biển như: ô nhiễm có nguồn gốc từ đất liền, từ các hoạt động liên quan đến đáy biển, do nhận chìm các chất nguy hại và các chất khác, do tàu thuyền gây ra, từ khí quyển. Công ước yêu cầu các quốc gia tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, giảm bớt và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ bất kỳ nguồn nào (Điều 194 Công ước);

Công ước đã quy định nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển và không đi ngược lại lợi ích chính đáng của các quốc gia: “Các quốc gia có quyền thuộc chủ quyền khai thác các tài nguyên thiên nhiên của mình theo chính sách về môi trường của mình và theo đúng nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển (Điều 193 Công ước);

Công ước yêu cầu các quốc gia phải quan tâm làm sao cho luật trong nước của mình có những hình thức tố tụng cho phép thu được sự đền bù nhanh chóng và thích đáng, hay sự bồi thường khác đối với những thiệt hại nảy sinh từ ô nhiễm môi trường biển do tự nhiên nhân hay pháp nhân của mình gây ra (khoản 2 Điều 235 Công ước);

Các quốc gia cũng được yêu cầu bảo đảm cho các con tàu mang cờ nước họ, hoạt động trong nước cũng như nước ngoài, đáp ứng đầy đủ các luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế thích hợp. Quốc gia mà tàu mang cờ được yêu cầu tiến hành điều tra mọi vi phạm luật lệ về ô nhiễm biển mà con tàu đó thực hiện (Điều 217 Công ước);

Các quốc gia không được đùn đẩy thiệt hại của các nguy cơ gây ô nhiễm biển và không được thay thế một kiểu ô nhiễm này bằng một kiểu ô nhiễm khác (Điều 195 Công ước);

Các quốc gia có nghĩa vụ thông báo cho các quốc gia khác về nguy cơ bị ô nhiễm lan tràn đến và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền, để kịp thời có những biện pháp ngăn chặn và bảo vệ (Điều 198 Công ước);

Các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế liên quan theo khả năng của mình để hạn chế, loại trừ những hậu quả tai hại do ô nhiễm biển gây ra (Điều 199 Công ước);

Các nước phát triển có nghĩa vụ giúp đỡ các nước đang phát triển trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, kinh tế và trong các lĩnh vực khác nhằm ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển (Điều 202 Công ước).

3. Một số nội dung quan trọng khác của Công ước

Ngoài các vấn đề cơ bản về Quy chế pháp lý các vùng biển, vấn đề bảo vệ môi trường biển, Công ước luật biển năm 1982 còn đề cập đến các vấn đề quan trọng khác như:

Vấn đề nghiên cứu khoa học biển, Điều 238 Công ước quy định: “Tất cả các quốc gia, bất kể vị trí địa lý thế nào, cũng như các tổ chức quốc tế có thẩm quyền, đều có quyền tiến hành các cuộc nghiên cứu khoa học biển, với điều kiện tôn trọng các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác như đã được quy định trong Công ước”. Nội dung cụ thể về nghiên cứu khoa học biển được Công ước quy định tại phần XIII, từ Điều 238 đến Điều 265. Phần này Công ước đã quy định các vấn đề cơ bản như quyền tiến hành nghiên cứu khoa học biển; nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia khác tiến hành nghiên cứu khoa học biển; sự hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học biển; các thiết bị, phương tiện phục vụ công tác nghiên cứu khoa học biển; giải quyết tranh chấp về nghiên cứu khoa học biển, v.v…

Vấn đề về phát triển và chuyển giao kỹ thuật biển, Điều 266 Công ước quy định: “1) Các quốc gia hợp tác trực tiếp, hoặc thông qua các tổ chức quốc tế có thẩm quyền, trong phạm vi khả năng của mình, nhằm tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và chuyển giao khoa học và kỹ thuật biển theo các thể thức và điều kiện công bằng hợp lý; 2) Các quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển khả năng trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật biển của các quốc gia có nhu cầu và yêu cầu được hưởng một sự giúp đỡ về kỹ thuật trong lĩnh vực này, nhất là các quốc gia đang phát triển kể cả quốc gia không có biển hay bất lợi về mặt địa lý, trong việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý các tài nguyên của biển, trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, trong việc nghiên cứu khoa học biển và các hoạt động khác tiến hành trong môi trường biển phù hợp với Công ước, nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội và kinh tế của các quốc gia đang phát triển; 3) Các quốc gia cố gắng giúp tạo ra các điều kiện kinh tế và pháp lý thuận lợi cho việc chuyển giao kỹ thuật biển, trên cơ sở công bằng, có lợi cho tất cả các bên hữu quan”. Nội dung cụ thể về phát triển và chuyển giao kỹ thuật biển được quy định tại phần XIV, từ Điều 266 đến Điều 278 Công ước. Phần này quy định về các vấn đề cơ bản như phát triển chuyển giao kỹ thuật biển; hợp tác quốc tế về chuyển giao kỹ thuật biển; việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm nghiên cứu khoa học và kỹ thuật biển của các quốc gia và khu vực.

Vấn đề giải quyết tranh chấp về biển, Điều 279 Công ước quy định: “Các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa họ về việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các phương pháp hoà bình theo đúng Điều 2 khoản 3 của Hiến chương Liên hợp quốc và, vì mục đích này, cần phải tìm ra giải pháp bằng các phương pháp đã được nêu ở Điều 33, khoản 1 của Hiến chương”. Nội dung về giải quyết tranh chấp về biển được quy định tại phần XV, từ Điều 279 đến Điều 299 Công ước, bao gồm các vấn đề cơ bản như: nguyên tắc giải quyết tranh chấp; trình tự, thủ tục, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, v.v…

Tài liệu tham khảo:

1. Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển. Nxb Tp. Hồ Chí Minh. Tp. Hồ Chí Minh 1996.

2. Nguyễn Trung Tín. Giáo trình Luật biển quốc tế. Nxb Công an nhân dân. Hà nội 2005.

3. Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Quốc tế. Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội 2004.

4. TS. Nguyễn Hồng Thao: “Những điều cần biết về luật biển”, NXB CA nhân dân năm 1997, tr23./.

Tin mới hơn

Tin cũ hơn