Bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho giảng viên lý luận chính trị ở trường đại học hiện nay

 

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, BM Chủ nghĩa Mác – Lênin,

 Khoa KHCB và Ứng dụng

 

Tóm tắt: Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là nội dung có giá trị to lớn đối với việc tu dưỡng, rèn luyện trong diễn đạt của giảng viên lý luận chính trị ở trường đại học. Trong giảng dạy và nghiên cứu lý luận chính trị, phong cách diễn đạt có vai trò rất quan trọng, quyết định chất lượng quá trình truyền thụ, tiếp nhận, lĩnh hội kiến thức của cả sinh viên và giảng viên. Giảng viên lý luận chính trị dù có kiến thức chuyên môn sâu, chuẩn bị nội dung công phu nhưng diễn đạt không tốt thì khó có thể truyền thụ hiệu quả nội dung bài giảng đến sinh viên. Bài viết đi sâu làm rõ nội dung phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh và biện pháp nâng cao hiệu quả bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho giảng viên lý luận chính trị ở trường đại học hiện nay.

Từ khoá: Phong cách, diễn đạt, giảng viên, đại học, lý luận chính trị

Fostering Ho Chi Minh's expression style for political theory lecturers at universities today

Summary: Ho Chi Minh's style of expression is content of great value for the cultivation and practice of expression by political theory lecturers at universities. In teaching and researching political theory, expression style plays a very important role, determining the quality of the process of transmitting, receiving, and comprehending knowledge for both students and lecturers. Even though political theory lecturers have deep professional knowledge and elaborate content preparation, if they do not express themselves well, it is difficult to effectively convey the lecture content to students. The article delves deeper into clarifying the content of Ho Chi Minh's expression style and measures to improve the effectiveness of fostering Ho Chi Minh's expression style for political theory lecturers at universities today.

Keywords: Style, expression, lecturers, university, political theory.

1. Mở đầu

Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là những đặc trưng riêng, độc đáo, mang tính ổn định trong cách nói, viết, gắn với hành động cụ thể của Người, trở thành hình mẫu về phong cách diễn đạt của một nhà cách mạng lỗi lạc. Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, mà còn là bài học quý cho cán bộ, đảng viên - những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng hiện nay. Giảng viên lý luận chính trị ở trường đại học là lực lượng nòng cốt, chủ yếu trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực tư tưởng, lý luận của trường đại học. Bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho giảng viên lý luận chính trị ở trường đại học là yếu tố rất cơ bản, quan trọng hàng đầu, giúp cho phong cách diễn đạt của giảng viên được tốt hơn, hoàn thiện hơn.  

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh 

Phong cách diễn đạt là lề lối, cách thức nói và viết, mang giá trị ổn định, thể hiện sắc thái, biểu cảm, ngữ điệu, ngôn từ hoặc được biểu đạt bằng hành động, cử chỉ phản ánh các phẩm chất bên trong của con người. Phong cách diễn đạt được biểu hiện thông qua ngôn ngữ (nói, viết) hoặc một hình thức nào đó, diễn ra hằng ngày, gắn với những con người cụ thể. Cách nói, viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự lựa chọn thích hợp nhằm xác định mục tiêu viết và nói để làm gì? Viết và nói cho ai? Viết và nói cái gì? Viết và nói như thế nào? Với cách thức diễn đạt logic, khoa học, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng ngữ cảnh đã phản ánh tư duy của Người ở tầm cao trí tuệ, nhạy bén, sắc sảo, tạo ra nét đặc trưng riêng biệt, có giá trị to lớn đối với xã hội. Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh được thể hiện ở các nội dung sau:

Một là, xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích, phương pháp diễn đạt

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Người căn dặn: “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem” [5. tr.340]. Về xác định chủ đề, dù là nói hay viết thì chủ đề bất biến, xuyên suốt của Hồ Chí Minh luôn là độc lập cho dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào. Về đối tượng, trong bài giảng về Cách viết, Người căn dặn: “Vì ai mà mình viết? - Mục đích viết làm gì? Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai?” [7, tr.205]. Khi nói, viết, Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý tới đối tượng hướng tới. Mỗi một đối tượng khác nhau thì cách nói, cách viết khác nhau thể hiện sự uyển chuyển, linh hoạt trong diễn đạt của Người. Về mục đích, tức là trả lời câu hỏi: nói, viết để làm gì? Đối với Người, nói và viết không ngoài mục đích “Cách mạng, cách mạng, cách mạng”. Mục đích nói, viết chính là tác động để cho đối tượng nói, viết thay đổi nhận thức, hành vi, hướng họ vào thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của cách mạng, mà xét đến cùng là thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Về phương pháp diễn đạt, sau khi xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lựa chọn phương pháp diễn đạt sáng tạo, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nói, viết, giữa thái độ, cử chỉ và nêu gương. Theo Người, để thuyết phục, cảm hóa, thay đổi nhận thức, hành vi của quần chúng nhân dân, lôi cuốn họ làm cách mạng, hướng họ vào hoạt động thực tiễn phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội thì phải lựa chọn cách nói, viết sao cho ngắn gọn, dễ nghe, dể hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng cụ thể. Nói, viết phải luôn đi đôi với làm, luôn gắn liền với hoạt động thực tiễn, là sự biểu đạt độc đáo, đạt hiệu quả cao về giao tiếp trong mọi điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Hai là, bảo đảm tính chân thực.

Bảo đảm tính chân thực trong nói, viết vừa là nguyên tắc, vừa là yêu cầu cao trong phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh. Khi viết, nói luôn gắn với các minh chứng cụ thể, rõ ràng với những con số, những sự kiện được xem xét, kiểm chứng, chọn lọc một cách kỹ lưỡng, phù hợp với từng bài nói, viết, từng đối tượng hướng đến. Chân thực trong phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh luôn đối lập với giả dối, hình thức, sáo rỗng. Người luôn nhắc nhở và phê bình cách nói cách viết giả dối, không đúng sự thật của một bộ phận cán bộ, đảng viên, theo kiểu: “Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến. Thành thử cấp trên không hiểu rõ tình hình mà đặt chính sách cho đúng. Hoặc báo cáo chậm trễ. Thành thử khi cấp trên nhận được báo cáo, thì việc đã trễ rồi, không đối phó kịp” [5, tr.341]. Do đó, trong nói, viết, Người đặt ra yêu cầu: Điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, không nói ẩu, nói bừa. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về diễn đạt chân thực trong nói và viết, phản ánh đúng hiện thực của đời sống chính trị, xã hội. Chính tính chân thực đã làm cho những bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh có sức thuyết phục cao đối với người đọc, người nghe; các bài nói, viết đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những số liệu, sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, sàng lọc, so sánh, đánh giá để đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác nhất.

Ba là, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Trong phong cách diễn đạt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự ngắn gọn, cô đọng, súc tích, ít câu, ít từ nhưng lại rõ nghĩa, “lời ít nhưng ý nhiều”, không bao giờ cầu kỳ, chau chuốt theo kiểu rườm rà, dài dòng văn tự. Ngôn ngữ diễn đạt đến người nghe luôn giản dị, gần gũi, ngắn gọn, rõ nghĩa, viết và nói ra ai ai cũng nghe được, hiểu được, những việc phức tạp được luôn diễn đạt bằng lời lẽ ngắn gọn, súc tích. Người chỉ rõ: “Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu, có đuôi” [7, tr.208]. Những điều nói, viết phải rõ ràng như “hai lần hai là bốn”. Đồng thời, Người thường nhắc nhở, phê bình cán bộ, đảng viên ta về bệnh ba hoa, viết, nói vừa dài, vừa rỗng, điều đó vừa mất thời gian lại tốn giấy mực, không đạt được mục đích khi tuyên truyền, giáo dục. Thực tế cho thấy, …có những bài lằng nhằng dài mấy cột, như là rau muống kéo dây. Đọc đến khúc giữa thì không biết khúc đầu nói cái gì; đọc đến khúc đuôi thì không biết khúc giữa nói cái gì. Thế là vô ích. Trước hết là cần phải tránh cái lối viết “rau muống” nghĩa là lằng nhằng “tràng giang đại hải, làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh” [7, tr.207]. Theo đó, cán bộ, đảng viên nên nói ngắn gọn, súc tích, thiết thực, chắc chắn, đi thẳng vào những vấn đề mà quần chúng đang quan tâm, đang cần biết, cần hiểu, cần làm và dễ thực hiện.

Bốn là, sử dụng ngôn ngữ trong sáng, giản dị.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếng nói, chữ viết là thứ vô cùng quý giá, được lưu giữ và truyền từ đời này sang đời khác, là văn hóa và bản sắc của mỗi quốc gia, dân tộc. Ngôn ngữ trong tất cả các bài nói, viết của Người đối với người đọc, người nghe đều trong sáng, rõ nghĩa, chắc chắn, dễ hiểu, dễ thực hiện: “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng” [5, tr.341]. Để nói, viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, cần phải chống bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, sính dùng chữ nước ngoài: “Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc. Nhưng phải có chừng có mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta” [5, tr.341]. Những tiếng nước ngoài đã quen thuộc, đã “hóa thành tiếng ta”, mà không dùng là không đúng. Bệnh sính dùng chữ nước ngoài cần phải kịp thời sửa chữa để không ảnh hưởng đến lối diễn đạt. Khi viết, nói cần sử dụng ngôn ngữ giản dị, gần gũi, trong sáng để quần chúng nhân dân ai ai cũng nghe được, hiểu được và thực hiện được.

2.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho giảng viên lý luận chính trị ở trường đại học hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể trong bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho giảng viên lý luận chính trị ở trường đại học

Nâng cao nhận thức của các chủ thể bồi dưỡng thông qua việc quán triệt, thực hiện các Chỉ thị, Kết luận, nghị quyết, kế hoạch về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần phải làm cho lực lượng này có nhận thức sâu sắc về sự cần thiết, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh, những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh. Phải làm các chủ thể người thấy rõ, việc bồi dưỡng này có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, chất lượng công tác không chỉ của bản thân mỗi giảng viên mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của nhà trường. Các trường đại học cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nắm chắc mục đích, yêu cầu, nội dung của các chỉ thị, kế hoạch đó là cơ sở quan trọng để thống nhất về nhận thức tư tưởng và hành động trong triển khai tổ chức thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đội ngũ giảng viên.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, học tập và phổ biến tầm quan trọng, nội dung, giá trị cốt lõi của phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho giảng viên lý luận chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng theo Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị: “Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” [1]. Thông qua hoạt động thực tiễn như tuyên truyền miệng, tổ chức các hoạt động thi tìm hiểu, sáng tác, viết báo, các buổi gặp gỡ trao đổi, tọa đàm, diễn đàn, giao lưu với các nhân chứng lịch sử, các buổi xem các phim tư liệu về Bác; các buổi sinh hoạt truyền thống, sử dụng đa dạng các loại hình văn hóa, nghệ thuật quần chúng, tổ chức tốt các buổi tham quan bảo tàng về Hồ Chí Minh… để nâng cao nhận thức cho các chủ thể về nội dung, giá trị, ý nghĩa của phong cách Hồ Chí Minh nói chung, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh nói riêng.

Hai là, xác định đúng nội dung, hình thức, biện pháp bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho giảng viên lý luận chính trị ở trường đại học  

Bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho giảng viên lý luận chính trị ở trường đại học là bồi dưỡng một cách toàn diện trên các nội dung phong cách diễn đạt của Người, trong đó tập trung cụ thể hóa từng nội dung đó vào từng đối tượng đối tượng cụ thể, giảng viên cụ thể cho phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của từng giảng viên. Bởi mỗi bộ môn, môn học có phương pháp nghiên cứu, tiếp cận riêng; mỗi một giảng viên có khả năng, năng khiếu sư phạm khác nhau. Do đó, việc nhận xét, đánh giá phong cách diễn đạt của giảng viên cần được thực hiện một cách khách quan, chi rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng giảng viên để có nội dung bồi dưỡng phù hợp cho từng người. Nội dung bồi dưỡng cần hướng vào hoàn thiện khả năng diễn đạt khúc triết, rõ ràng, ngắn gọn dễ nghe, dễ hiểu, dễ nắm, dễ thực hiện; phương pháp giảng dạy, diễn đạt cụ thể đối với từng đối tượng người học, đối với từng hình thức nghiên cứu khoa học; khắc phục các biểu hiện trung bình chủ nghĩa, lười suy nghĩ, lười nghiên cứu, lười đổi mới, sáng tạo; thiếu tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên; đấu tranh với các hiện tượng rông dài, rỗng nội dung, hình thức chiếu lệ, đối phó; qua loa đại khái…

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn của khoa và đặc điểm của giảng viên. Trên cơ sở kế hoạch, đối tượng, nội dung đã xác định ở trên, để hoạt động bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho giảng viên mang lại hiệu quả cao, cần phải đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tiến hành. Hoạt động này có thể được diễn ra ở nhiều cấp độ, nhiều hình thức khác nhau ứng với mỗi đối tượng, mỗi hoàn cảnh cụ thể. Tiến hành thông qua các hình thức sinh hoạt đảng; quán triệt, học tập nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; thông qua đánh giá kết quả bồi dưỡng, rèn luyện phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh; thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, trao đổi, giới thiệu, học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đọc, nghiên cứu các tác phẩm, các bài viết của Bác, các cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Tránh những biểu hiện cô lập, tách rời, biệt lập trong nhận thức và hành động khi tiến hành bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho giảng viên lý luận chính trị với các phong trào thi đua do trên phát động.

Ba là, tạo môi trường thuận lợi để bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho giảng viên lý luận chính trị ở trường đại học.

Môi trường sư phạm dân chủ, đoàn kết có ý nghĩa kích thích quá trình bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho giảng viên lý luận chính trị, đồng thời còn làm cho mối quan hệ đông nghiệp luôn tình cảm, gần gũi, đoàn kết, thương yêu, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tạo điều kiện cho giảng viên lý luận chính trị tích cực, hăng say công tác. Trên cơ sở định hướng chính trị đúng đắn, mỗi giảng viên trên cương vị, chức trách của mình được dân chủ trong bàn bạc, thảo luận về khoa học và chuyên môn. Mỗi khoa giáo viên phải thật sự phát huy hiệu quả của môi trường sư phạm của mình, nơi trực tiếp bồi dưỡng giảng viên để họ ngày càng trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sự công bằng, dân chủ sẽ tạo ra động lực cho mỗi cá nhân phấn đấu toàn diện. Tôn vinh, xây dựng, nhân rộng điển hình tiêu biểu về việc thể hiện theo các nội dung trong phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh. Sự đoàn kết và giúp đỡ nhau, động viên nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ chung sẽ tạo điều kiện để mọi người học hỏi lẫn nhau, kết quả của sự đoàn kết gắn bó kích thích sự sáng tạo của mỗi người.

Việc nhìn nhận đúng vấn đề, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của giảng viên lý luận chính trị là cơ sở, tiền đề để nâng cao năng lực, nghiệp vụ sư phạm, phong cách diễn đạt cho giảng viên, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học, nghiên cứu khoa học. Tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức và phương pháp thuyết trình, phương pháp giảng dạy hiện đại, nhất là phong cách diễn đạt cho giảng viên, kịp thời rút kinh nghiệm qua từng học kỳ, từng năm học. Khuyến khích tinh thần tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn của mỗi giảng viên. Thực tiễn cho thấy, nếu giảng viên có khả năng truyền cảm tốt, nói, viết chặt chẽ, ngắn gọn thì sẽ mang lại hiệu quả rất cao cho người học, góp phần quyết định đến chất lượng giảng dạy, nghiên cứu cũng như kích thích động lực, thái độ học tập của người học.

Bốn là, phát huy vai trò chủ động, tích cực tự bồi dưỡng theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh của giảng viên lý luận chính trị ở trường đại học.

Nhận thức sâu sắc giá trị, sự cần thiết phải bồi dưỡng và hình thành nhu cầu, động cơ học tập, rèn luyện phong cách diễn đạt theo phong cách Hồ Chí Minh. Trong giảng dạy và nghiên cứu cần có nhận thức đầy đủ, sâu sắc, đúng đắn kịp thời vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh, từ đó chuyển hóa các nội dung, giá trị phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thành các chủ trương, biện pháp thiết thực, cụ thể. Từng giảng viên cần hiểu rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo; nghiên cứu sâu sắc về nội dung, giá trị phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh. Tự xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, rèn luyện phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh phù hợp với năng lực, trình độ, khả năng của bản thân. Biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng. Tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện cách nói, cách viết, cách sử dụng và kết hợp các hình thức diễn đạt phù hợp với từng chủ đề, đối tượng. Hình thành được nhu cầu, động cơ tự bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh ở mọi lúc, mọi nơi của mỗi giảng viên.

Từng giảng viên xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình, xác định nội dung, biện pháp tự học tập, tự bồi dưỡng, rèn luyện theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh bảo đảm tính khoa học, cụ thể, thiết thực. Tích cực học hỏi, không ngừng tích lũy vốn kiến thức sâu rộng, vốn ngôn ngữ phong phú, lối diễn đạt sáng tạo, linh hoạt. Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ rõ: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình” [6, tr.536]. Mỗi giảng viên phải tích cực, thường xuyên trau dồi tri thức để có sự hiểu biết toàn diện, có vốn kiến thức sâu rộng. Thường xuyên cập nhật, nắm bắt những vấn đề chính trị - xã hội trong nước và trên thế giới, các số liệu, sự kiện luôn bảo đảm tính chính xác, có sức thuyết phục cao. Các nội dung được khái quát từ thực tiễn, lồng ghép vào bài giảng một cách tự nhiên, hài hòa, giúp học viên thấm nhuần lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhận thức đúng đắn về đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời hướng dẫn người học phương pháp, kỹ năng cần thiết để vận dụng lý luận vào thực tế.

3. Kết luận

Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét ở việc luôn xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích, phương pháp; chân thực; ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo; sử dụng ngôn ngữ trong sáng, giản dị. Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh có giá trị to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, góp phần bổ sung, phát triển, làm phong phú thêm giá trị ngôn của ngữ dân tộc và phong cách diễn đạt truyền thống Việt Nam lên một tầm cao mới; làm cho lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin trở nên gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện ở Việt Nam...; là hình mẫu, là cơ sở để xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện phong cách diễn đạt cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở trường đại học học tập, làm theo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Ban Chấp hành Trung ương (2021), Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Hà Nội.

2.      Học viện Chính trị (2018), Phong cách Hồ Chí Minh - Lý luận và vận dụng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

3.      Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên, 2013), Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.

4.      Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội.

5.      Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội.

6.      Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội.

7.      Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội.

8.      Phan Tuyết (2017), Phong cách diễn đạt của Bác Hồ, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn