Tinh thần yêu nước Việt Nam trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”

                  TS. Ngô Thị Phương Thảo

               BM LSĐ-TTHCM

 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam. Sau gần 80 năm nô lệ, nhân dân Việt Nam đã trở thành chủ nhân của một nước Việt Nam độc lập. Song, chính quyền cách mạng non trẻ đang đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách, tình thế cách mạng lúc này mong manh như “trứng để đầu gậy” phải đối mặt với nhiều kẻ thù cùng lúc: Giặc đói, giặc dốt và đặc biệt là giặc ngoại xâm.

1. Hoàn cảnh ra đời “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh vào giải giáp quân Nhật đầu hàng, đã nổ súng đánh ta ở Nam Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt kêu gọi nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đứng lên kháng chiến, mặt khác ra sức đàm phán với chính phủ Pháp để cứu vãn hòa bình. Người đã ký với đại diện chính phủ Pháp tại Hà Nội Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946. Tiếp đó, Người qua Pháp chỉ đạo phái đoàn Chính phủ ta đàm phán với Chính phủ Pháp ở Phông-ten-nơ-blô. Cuộc đàm phán thất bại do lập trường phía Pháp vẫn theo đuổi chính sách thống trị Việt Nam. “Còn nước còn tát”, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp Tạm ước ngày 14 - 9 - 1946. Ngày 16-9-1946, Người rời cảng Tu-lông (Pháp) trở về nước. Ngày 16-10, Người gặp Đắc-giăng-li-ơ ở vịnh Cam Ranh. 

Thỏa thuận ngừng bắn trong Tạm ước 14 - 9 không được thực hiện ở Nam Bộ. Tại Bắc Bộ, cuối tháng 11 năm 1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn và đổ bộ lên Đà Nẵng. Tại Hà Nội, quân đội thực dân Pháp liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn vào nhiều nơi ở Hà Nội trong các ngày 15, 16 - 12 - 1946 như đốt nhà thông tin ở phố Tràng Tiền, chiếm cơ quan Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính. Ngày 17 -12 - 1946, quân Pháp cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, đặc biệt, chúng đã gây ra vụ tàn sát nhiều đồng bào ta ở phố Hàng Bún và Yên Ninh, gây xung đột đổ máu ở cầu Long Biên, khu Cửa Đông. Ngày 18 - 12 - 1946, tướng Moóc-li-e gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự chướng ngại trên các đường phố, giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát an ninh trật tự ở Thủ đô Hà Nội cho chúng. Pháp tuyên bố nếu các yêu cầu trên không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì chậm nhất vào sáng 20-12-1946 quân Pháp sẽ hành động.

Trước tình hình đó, ngày 18 và 19-12-1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc.

Vào hồi 20 giờ ngày 19/12/1946, quân dân thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Đêm ngày 19 rạng ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Đông), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh - Lời hịch cứu nước.

2. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - bước tiếp nối truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam

Yêu nước là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, trở thành tình cảm thiêng liêng trong mỗi người Việt Nam. Dân tộc - quốc gia Việt Nam hình thành bởi quá trình dựng nước và giữ nước. Với nét đặc thù này, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam còn hơn cả tôn giáo bởi nó có chiều sâu của tâm linh, chiều cao của niềm tin, chiều rộng của cộng đồng, có sức lôi cuốn mạnh mẽ mọi người, toàn dân đánh giặc, sẵn sàng hy sinh vì lòng yêu nước. Nói chung, người Việt Nam ai cũng có lòng yêu nước, dù có hay không theo bất kỳ một tôn giáo nào, cũng đều bị thu hút bởi chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước ấy đã trở thành điểm sáng và sức sống chủ yếu trong tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam.

Nhìn từ lịch sử phát triển của dân tộc, có thể thấy, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trải dài theo dòng lịch sử từ thời các vua Hùng dựng nước, đi qua tinh thần của Hai Bà Trưng “đền nợ nước, trả thù nhà”, của Bà Triệu “không chịu cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người”, đến sự khẳng định thành văn ý chí độc lập, chủ quyền dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư - Tiệt nhiên định phận tại thiên thư - Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm - Như đẳng hành khan thủ bại hư”(1), được vun đắp qua thời Lê Lợi, Nguyễn Trãi với tuyên bố nước Đại Việt có chủ quyền, có nền văn hoá riêng sánh vai cùng triều đại Trung Quốc:“Như nước Đại Việt ta từ trước - Vốn xưng nền văn hiến đã lâu - Núi sông bờ cõi đã chia - Phong tục Bắc- Nam cũng khác - Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, bao đời gây nền độc lập - Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương”(2), nó thôi thúc mạnh mẽ trở thành lý tưởng, khát vọng dập tắt muôn đời ngọn lửa chiến tranh xâm lược, xây dựng quan hệ hòa hiếu, bình đẳng giữa các dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được giương cao trong phong trào nông dân Tây Sơn với lãnh tụ thiên tài Quang Trung, thể hiện ý chĩ mãnh liệt của nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc độc lập, thống nhất và mạnh giàu. Yêu nước, quý trọng độc lập tự do, do đó đã trở thành lẽ sống, đạo đức của mỗi người dân Việt Nam, của toàn thể dân tộc. Có lẽ, tình cảm và tư tưởng yêu nước là tình cảm và tư tưởng lớn nhất của nhân dân, của dân tộc Việt Nam. Từ đây, nó sẽ tích hợp và sản sinh ra các giá trị khác của văn hoa dân tộc.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam tiếp tục phát triển trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đến đây, chủ nghĩa yêu nước truyền thống đã được Hồ Chí Minh nâng lên thành là chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh - chủ nghĩa yêu nước cách mạng. Có thể nhận thấy, với tư cách một lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, Hồ Chí Minh là người đặt nền móng đầu tiên cho chủ nghĩa yêu nước cách mạng. Chủ nghĩa yêu nước cách mạng ấy trở thành của toàn thể dân tộc Việt Nam, là chủ nghĩa yêu nước của dân tộc ở thời hiện đại. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc, dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, đã có bước phát triển nhảy vọt về chất vươn lên ngang tầm thời đại. Trong bước phát triển nhảy vọt ấy, Hồ Chí Minh là người đặt nền móng đầu tiên cho việc hình thành một chủ nghĩa yêu nước kiểu mới ở giai đoạn mới của lịch sử dân tộc, mà những đặc điểm nổi bật là thống nhất dân tộc với giai cấp, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản. 

Vậy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam bắt nguồn từ đâu?

Sự hình thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được bắt nguồn từ yếu tố sâu xa của lịch sử dân tộc. Một mặt của vấn đề, ở Việt Nam có sự xuất hiện sớm của quốc gia dân tộc trên cơ sở phân hóa xã hội và phân hóa giai cấp, do yêu cầu xây dựng, quản lý các công trình đê điều, thủy lợi và yêu cầu chống giặc ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc. Quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam gắn liền với quá trình thống nhất quốc gia. Điều đó đã tác động sâu sắc đến sự phát triển của ý thức dân tộc, tạo nên sự cố kết cộng đồng. Tinh thần yêu nước được thể hiện qua ý thức cộng đồng và phát triển trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Nó là sản phẩm riêng có của dân tộc Việt Nam.

Nguồn gốc trực tiếp, chủ yếu của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là ngay từ buổi bình minh của lịch sử chúng ta phải đương đầu với các cuộc xâm lược từ bên ngoài, lịch sử dân tộc Việt Nam có 20 thế kỷ thành văn thì có 16 thế kỷ đánh giặc và 4 thế kỷ sẵn sàng đánh giặc, thử hỏi lịch sử ấy làm sao chúng ta không yêu nước? Các nhà sử học đã tổng kết, từ thế kỷ III TCN đến nay chúng ta đã tiến hành 20 cuộc chiến tranh giữ nước lớn và khoảng 100 cuộc khởi nghĩa giành độc lập. Một dân tộc đất không rộng, người không đông, tại sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến vậy? Phải chăng từ xa xưa, Việt Nam đã là một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trên bản đồ thế giới? Phải chăng Việt Nam nằm tiếp giáp, tiếp nối giữa Bắc và Nam, Đông và Tây, đất liền với biển và hải đảo? Nhưng vượt lên tất cả, trong sự đau thương nghiệt ngã của số phận, dân tộc ta vẫn đứng thẳng dậy, hiên ngang cùng các dân tộc khác trên thế giới. Cũng từ đó, tinh thần dân tộc và ý thức yêu nước được hình thành trong mỗi con người Việt Nam. Cũng từ đó, chủ nghĩa yêu nước đã trở dòng chủ lưu chảy xuyên suốt trường kỳ của lịch sử Việt Nam, là chuẩn mực cao nhất trong bảng giá trị văn hoá Việt Nam, là động lực nội sinh to lớn của cộng đồng dân tộc Việt Nam, nó tạo nên ý chí kiên cường, sức mạnh vô địch trong quá trình dựng nước và giữ nước. 

Trở lại với lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp, với sức mạnh của một nước tư bản đế quốc, lại lợi dụng được thời điểm thế và lực nước ta đang yếu, chúng đã xâm lược và đặt ách thống trị trên đất nước ta. Nhân dân ta đã nhiều lần nổi dậy đánh thực dân Pháp để giành quyền độc lập. Người trước ngã, người sau tiếp bước, “bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người nước Nam đánh Tây” như lời khẳng định của Nguyễn Trung Trực. Trải qua bao cuộc đấu tranh quyết liệt, đến cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân ta đã khôi phục được nền độc lập, thống nhất Tổ quốc. Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và toàn thế giới: nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và trên thực tế đã thành một nước tự do độc lập. Do đó, toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

Tuy nhiên vì lợi ích và danh dự với quân đồng minh, sự cố tình không hiểu bản sắc, truyền thống của dân tộc Việt Nam, thêm vào đó là bản chất ngông cuồng, hiếu chiến của một đế quốc đầu sỏ, chính quyền Pháp đã không từ một thủ đoạn nào để có thể nhanh chóng tái lập nền thống trị của chúng ở Việt Nam. Theo đó, sau khi tái vũ trang gây hấn rồi chiến Nam Bộ, chúng từng bước đưa “quân tiếp phòng” ra Trung bộ và Bắc bộ, tiến hành các hoạt động thăm dò và khiêu khích tạo cớ với lực lượng vũ trang và chính quyền cách mạng… chuẩn bị cho kế hoạch đánh úp Hà Nội, các thành phố lớn và các địa phương trên cả nước. Vậy là, thực dân Pháp công khai gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam một lần nữa. 

Không thể tiếp tục hòa hoãn được nữa, Hồ Chí Minh ra lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến, khẳng định ý chí kiên cường của nhân dân ta bảo vệ độc lập tự do – thành quả vĩ đại của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945. Lời hiệu triệu của Người là tiếng gọi thiêng liêng của non sông, đất nước, thôi thúc cả dân tộc bước vào cuộc chiến đấu mới.

Mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu thiện chí hoà bình của Việt Nam, nhưng bị phía Pháp khước từ và họ quyết chọn con đường vũ trang xâm lược: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”(3). Người khẳng định rõ ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (4). Khi Tổ quốc lâm nguy, Người kêu gọi các giới đồng bào cả nước bằng vũ khí và mọi loại dụng cụ có thể dùng làm vũ khí, nhất tề đứng lên đánh giặc: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(5). Mục đích cuộc kháng chiến là: Việt Nam độc lập và thống nhất. Kết thúc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Người truyền niềm tin thắng lợi cho toàn dân, toàn quân ta “Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.

Toàn văn “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (chưa đầy 200 chữ) tuy ngắn gọn nhưng súc tích, giản dị, đanh thép, có sức cổ vũ, động viên và tổ chức lực lượng kháng chiến vô cùng mạnh mẽ. Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, tình thế hết sức hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”, từng câu từng chữ trong lời kêu gọi kháng chiến thiêng liêng của Bác nhanh chóng thấm nhuần sâu sắc vào tâm khảm nhân dân ta, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất, kiên cường của nhân dân Việt Nam; là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ dứt khoát và kiên định: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(6). 

Đáp lại Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc đã nhất tề đứng lên kháng chiến với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Tại Hà Nội, sau hiệu lệnh nổ súng, Vệ quốc đoàn và Tự vệ đồng loạt tiến công các mục tiêu trong trung tâm Thành phố. Phối hợp với bộ đội, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp chặn địch. Cùng với quân, dân Thủ đô, quân và dân các đô thị từ Bắc vĩ tuyến 16 trở ra, như: Đà Nẵng, Huế, Vinh, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang,... cũng nổ súng tiến công giam chân địch trong các thành phố, thị xã, giành được thắng lợi bước đầu. Ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, lực lượng vũ trang và nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch bình định, kiềm chế không cho địch đưa lực lượng chi viện cho Trung Bộ và Bắc Bộ. Cuộc chiến đấu quyết liệt, anh dũng của quân và dân ta trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã giành được những thắng lợi quan trọng, làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Tinh thần quật cường của dân tộc được khơi dậy, cả nước tiến công, toàn dân là chiến sĩ đã tạo nên một thế trận rộng khắp. Đó chính là sức mạnh bảo đảm để quân dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Như vậy, Lời kêu gọi đã hiệu triệu, động viên và khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc để chúng ta làm nên những thắng lợi bước đầu, tạo nền tảng cho những chiến công oanh liệt về sau, đi đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.

77 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành ngày lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhưng giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ, hiệu triệu quốc dân đồng bào kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, đoàn kết nhất trí đánh giặc, giữ nước, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc. Ngày nay, Lời kêu gọi thiêng liêng của Bác vẫn mãi giữ nguyên tính thời sự, đó là giá trị của niềm tin tất thắng, là ý thức sâu sắc giá trị độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhất định chúng ta sẽ thành công, nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh sẽ ngày càng khẳng định thế và lực quan trọng trong khu vực và trên trường quốc tế.

Tài liệu tham khảo

 (1). Bộ Giáo dục và Đào tạo: Ngữ văn 10, Nxb Giáo dục, Hà Nội, t.2, 2016, tr.17

(2). Võ Minh Hải: Văn bản Hán văn trích tuyển (Giáo trình dùng cho sinh viên ngành Ngữ văn, Lịch sử và Việt Nam học), Quy Nhơn, 2009, tr.65

(3),(4),(5),(6). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 534

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn