Thái Nguyên: Hiện thực hóa mục tiêu trung tâm công nghiệp vùng


ThS. Hoàng Thị Hải Yến

                                                                                Bộ môn Chủ nghĩa Mác-Lênin

 

Từ một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, những năm gần đây, Thái Nguyên đã vươn lên nằm trong top đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kim ngạch xuất khẩu… Đây là tiền đề quan trọng để Thái Nguyên từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

1. Tiềm năng, thế mạnh và vị trí chiến lược của tỉnh Thái Nguyên trong vùng trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam

- Ví trí chiến lược: Tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm của vùng Việt Bắc, nằm trong quy hoạch vùng của thủ đô Hà Nội. Thái Nguyên nằm tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và chỉ cách Sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50km; cách cảng Hải Phòng khoảng 160km và Quảng Ninh 180km. Thái Nguyên là điểm giao cắt của các tuyến quốc lộ (QL): QL3 nối Hà Nội - Bắc Kạn - cửa khẩu Việt - Trung; kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai; QL1B nối Lạng Sơn - cửa khẩu Việt - Trung; QL37 nối Quảng Ninh - Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Phú Thọ - Sơn La. Lợi thế này tạo thuận lợi đặc biệt về giao thông kết nối, nhất là kết nối quốc tế, tạo sức hấp dẫn đầu tư mạnh mẽ mà không phải địa phương nào thuộc Vùng Thủ đô đều có.

- Tài nguyên thiên nhiên phong phú: Không chỉ có vị trí chiến lược, Thái Nguyên còn sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với trên 200 điểm mỏ, gồm nhiều loại khoáng sản như vonfram, than, sắt, titan, thiếc, chì, kẽm, vàng, thủy ngân,... Đặc biệt, một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như vonfram đa kim trữ lượng khoảng 110 triệu tấn, lớn thứ hai thế giới tập trung chủ yếu tại Núi Pháo (huyện Đại Từ); than trữ lượng khoảng 90 triệu tấn, lớn thứ hai của cả nước tập trung chủ yếu tại Làng Cẩm, Núi Hồng (huyện Đại Từ), Phấn Mễ (huyện Phú Lương), Khánh Hòa (thành phố Thái Nguyên); quặng sắt trữ lượng khoảng 50 triệu tấn tập trung chủ yếu tại Trại Cau, Tiến Bộ (huyện Đồng Hỷ), quặng titan trên 10 triệu tấn, chì kẽm khoảng trên 200 ngàn tấn... cùng nhiều loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Đây là điều kiện, cơ hội tốt để tỉnh Thái Nguyên đã và đang phát triển các ngành công nghiệp luyện kim và khai khoáng.

- Quỹ đất rộng: Thái Nguyên còn có diện tích đất rộng, tạo thành “quỹ dự trữ phát triển công nghiệp và đô thị”. Trong điều kiện hiện nay, khi đất đai, mặt bằng ngày càng khan hiếm, lại đang diễn ra xu hướng bùng nổ phát triển Khu công nghiệp và đô thị, thì “quỹ dự trữ đất đai” là một lợi thế tuyệt đối để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là trong phạm vi Bắc Bộ, nơi có Vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ. Đất nền làm khu công nghiệp - đô thị của Thái Nguyên có chất lượng tốt, giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư. Đây cũng là một thế mạnh trong cạnh tranh thu hút đầu tư.

- Điều kiện dân số - lao động: Quy mô dân số Thái Nguyên đạt hơn 1,3 triệu người; nằm trong khu vực tương đối sẵn có nguồn nhân lực “phổ thông”, tính cho cả vùng Bắc Bộ lẫn các tỉnh miền núi phía Bắc. Dân số này, cộng với tiềm năng tăng trưởng cao và khả năng lưu chuyển mạnh, cho phép tạo ra “quy mô kinh tế” đủ lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tương ứng với dân số là lượng lao động đông, trẻ và có trình độ học vấn khá cao. Thái Nguyên là trung tâm đào tạo lớn của cả nước với 9 trường đại học; 12 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp chuyên nghiệp, 30 trung tâm dạy nghề đóng trên địa bàn tỉnh; hàng năm đào tạo trên 100 nghìn sinh viên có trình độ, tay nghề ở nhiều các lĩnh vực… đang đóng vai trò vừa là trung tâm đào tạo vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

2. Đột phá từ thu hút đầu tư FDI

Trước khi có bước nhảy vọt trong thu hút vốn đầu tư FDI vào năm 2013, Thái Nguyên có tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp, quy mô kinh tế và thu nhập bình quân/đầu người còn chưa cao, đứng thứ 45/63 tỉnh, thành về thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào năm 2010. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm Thái Nguyên đã vươn lên lọt top đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành. Tính đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,59% (cao hơn bình quân chung cả nước); quy mô kinh tế đạt 150,19 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đạt 107 triệu đồng (4,575 USD)/người/năm. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt hơn 32 tỷ USD, xuất siêu lớn nhất cả nước, đạt hơn 12 tỷ USD.

Xác định việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI là giải pháp đột phá, động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai nhiều chính sách ưu đãi…

Để thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, tỉnh đã ban hành Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đó, bên cạnh những ưu đãi theo quy định của Chính phủ, Thái Nguyên còn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư về mặt bằng thực hiện dự án; miễn giảm thuế doanh nghiệp mới; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất... Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại cho người lao động khi các doanh nghiệp có nhu cầu. Đây là cơ chế đặc thù riêng có của Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, nhằm tạo sức hút với các nhà đầu tư, Thái Nguyên còn tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại. Tỉnh đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245ha và 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha. Thái Nguyên cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông liên kết, kết nối, như: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và hàng loạt dự án giao thông trọng điểm khác…Với quan điểm chỉ đạo thống nhất và những giải pháp quyết liệt, Thái Nguyên đã có bước tiến ngoạn mục khi vượt lên trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư FDI.

3. Thái Nguyên vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, xuất siêu lớn nhất cả nước

Tính đến cuối năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 932 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 27 lần so với năm 2013, đứng thứ 4 về quy mô giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 99% trong tổng giá trị sản xuất. Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nên cơ cấu kinh tế của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản. Hiện nay, cơ cấu khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 58,9%; trong đó, riêng công nghiệp chiếm trên 52% trong GRDP của tỉnh.

Công nghiệp phát triển đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất, nhập khẩu. Giai đoạn từ năm 2013 đến nay, tốc độ tăng bình quân giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt 13,1%/năm. Trong đó, xuất khẩu địa phương tăng bình quân 20%/năm; xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,9%/năm, chiếm 98,2% trong tổng giá trị xuất khẩu. Riêng trong năm 2022, giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt trên 32 tỷ USD, tăng gấp 130 lần so với năm 2013 và đứng thứ 4 cả nước…


Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong những năm tới, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên nhiều khả năng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, khi ngày càng có nhiều dự án đi vào hoạt động ổn định và tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất.

Trong đó, nổi bật nhất là Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD từ đầu năm 2022; Tập đoàn Trina Solar đầu tư dự án thứ 2 với tổng mức đầu tư 275 triệu USD, dự kiến hoàn thành tháng 6/2023; Công ty Sunny Opotech đề nghị tăng mức đầu tư thêm 350 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất…

Sự lựa chọn phát triển các tổ hợp đô thị hiện đại - công nghiệp - công nghệ cao, định hướng hội nhập quốc tế của Thái Nguyên là phù hợp với xu thế thời đại. Những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực mà Thái Nguyên đã đạt được trong thời gian qua chính là tiền đề vững chắc để Thái Nguyên tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có và khát vọng hướng tới mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030; đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là xây dựng Thái Nguyên trở thành “một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1)              Niên giám thống kê giai đoạn 2010 - 2022

(2)              Niên giám thống kê tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 – 2022

(3)              https://tapchitaichinh.vn

(4)              https://thainguyen.gov.vn

(5)              https://sngv.thainguyen.gov.vn

Tin mới hơn

Tin cũ hơn