Thực tiễn giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế về biển ở Việt Nam


Tống Thị Phương Thảo, Bộ môn Chủ nghĩa Mác – Lênin, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp

1. Tình hình tranh chấp biển của Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia nằm ven bờ trung tâm Biển Đông và có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở khu vực giữa Biển Đông. Hiện nay, cả nước có 29 tỉnh và thành phố ven biển, có bờ biển dài tổng cộng hơn 3.260 km, tỷ lệ giữa diện tích lục địa và chiều dài bờ biển vào loại cao trên thế giới, khoảng 100 km2/1km bờ biển (mức trung bình của thế giới là 600 km2 đất liền/1km bờ biển).

Ngoài hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt nam có hệ thống đảo ven bờ khoảng 3000 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích trên 10 km2, 84 đảo có diện tích trên 1 km2, 66 đảo có dân sinh sống với tổng số dân khoảng 155 nghìn người, mật độ dân số trung bình trên các đảo là 95 người/km2. Do vị trí chiến lược của hệ thống đảo là những điểm tiền tiêu bảo vệ tổ quốc và cũng là điểm tựa khai thác lợi ích biển và phát triển kinh tế biển, một số huyện đảo đã được thành lập là Cô Tô, Vân Đồn, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Kiên Hải, Cồn Cỏ và Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hoà). Trên cơ sở phù hợp với các quy định của Công ước Luật biển năm 1982, hệ thống đảo ven vờ Việt Nam được vận dụng làm các điểm cơ sở của hệ thống đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải, do đó đã tạo ra vùng nội thuỷ rộng, phạm vi của lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cũng được mở rộng ra hướng biển.

Biển Đông là một biển nửa kín, trải rộng từ khoảng vĩ tuyến 20 Nam tới vĩ tuyến 230 Bắc và được bờ biển các nước Trung Quốc (bao gồm cả đảo Đài Loan), Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippine bao quanh. Biển Đông có diện tích khoảng 1.148.500 hải lý vuông (khoảng 3.939.245km2), chiều dài khoảng 1.900 hải lý, chiều rộng của biển vào khoảng 600 hải lý, tính từ bờ biển Việt Nam ngang qua Biển đông tới đào gần nhất trong vùng biển Philippine, độ sâu trung bình 1.149m. Biển Đông có hai vịnh lớn là Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan. Vịnh Bắc Bộ ở phía Tây Bắc Biển Đông do bờ biển và đảo của hai nước Việt Nam và Trung Quốc bao bọc. Vịnh có diện tích khoảng 124.500km2, chu vi khoảng 1.950km, chiều dài Bắc Nam khoảng 469km, nơi rộng nhất khoảng 314km. Vịnh Thái Lan nằm ở phía Tây Nam Biển đông, do bờ biển của Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Malaysia bao bọc. Vịnh có diện tích khoảng 293.000km2, chu vi khoảng 2.300km, chiều dài vịnh khoảng 628km. Vịnh Thái Lan có độ sâu lớn nhất khoảng 80m ở giữa vịnh, độ sâu của vịnh  khoảng 60m.

Trên cơ sở luật biển quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, cùng các quy định pháp lý của Việt Nam, trên Biển Đông Việt Nam có các vùng biển nội thuỷ, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, với các chế độ pháp lý khác nhau và các quyền, lợi ích và nghĩa vụ quốc gia cụ thể.

Ngày nay, vùng biển của Việt Nam mở rộng ra tới ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên Biển Đông với diện tích khoảng 1 triệu km2. Các  hoạt động của người và phương tiện trên biển ngày càng gia tăng và phức tạp. Các quyền và lợi ích quốc gia trên biển rất đa dạng và quan trọng, đồng thời sự tranh chấp chủ quyền và lợi ích trên biển cũng ngày càng gay gắt và quyết liệt. Yêu cầu tất yếu đặt ra là phải tăng cường quản lý Nhà nước để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển, sử dụng và khai thác biển để phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước, giữ gìn hoà bình và ổn định, tăng cường quan hệ quốc tế vì mục tiêu hoà bình và phát triển.

Với vị trí quan trọng về kinh tế và quốc phòng, Biển Đông đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển không chỉ của Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông mà còn của nhiều cường quốc khác như Mỹ, Nga, Nhật... và đặc biệt là Trung Quốc. Những năm gần đây Biển Đông luôn là điểm nóng chứa đựng nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột. Các nước trong khu vực Biển Đông đều tăng ngân sách quốc phòng, trong đó chủ yếu đầu tư cho lực lượng hải quân. Biển Đông hiện nay vừa là môi trường thuận lợi cho phát triển và giao lưu kinh tế, đồng thời cũng chứa đựng nhiều thách thức và nguy cơ đối với Việt Nam.

Tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Hai quần đào Hoảng Sa và Trường Sa của Việt Nam nằm ở khu vực giữa Biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa bao gồm trên 30 đảo, bãi và đá ngầm trên một vùng biển rộng khoảng 15.000 -16.000km2, cách Đà Nẵng khoảng 170 hải lý. Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 đảo, bãi và đá ngầm trên vùng biển rộng khoảng 160.000 -180.000km2, đảo gần nhất cách Vũng Tàu khoảng 250 hải lý.

Theo các tài liệu hiện có, trong lịch sử, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo này từ thế kỷ XVII, sau đó chính quyền Đông Dương đã củng cố chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo thông qua các hoạt động quản lý nhà nước như thành lập chính quyền địa phương, cho cảnh sát ra đồn trú, lập các trạm khí tượng, thông tin, xây đèn biển...Tiếp đó, các chính quyền Việt Nam liên tục thực hiện và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định việc Nhà nước Việt Nam là nước đầu tiên đã chiếm hữu hai quần đào Hoàng Sa và Trường Sa, và từ đó đã liên tục thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo một cách thực sự và hoà bình.

Cho đến đầu thế kỷ XX, không có nước nào tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo này của Việt Nam. Hiện nay, hai quần đào Hoàng Sa và Trường Sa của Vịêt Nam bị nhiều nước yêu sách, tranh chiếm và trở thành đối tượng tranh chấp gay gắt về chủ quyền: Trung Quốc chiếm đóng phi pháp toàn bộ quần đào Hoàng Sa; Trung Quốc (và cả Đài Loan), Malaysia, Philippine tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa với các mức độ khác nhau.

Khu vực thềm lục địa phía Nam Việt Nam

Những năm gần đây, khu vực thềm lục địa phía Nam của Việt Nam cũng là đối tượng bị vi phạm nghiêm trọng. Hàng năm, nước ngoài đưa tàu vào hoạt động nghiên cứu, thăm dò và trinh sát khu vực thềm lục địa phía Nam của Việt Nam - nơi đang có nhiều hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Năm 1992, Trung Quốc ký hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí với Công ty Crestone của Mỹ tại một lô rộng khoảng 25.500 km2 trên khu vực cát bãi ngầm Tư Chính thuộc thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Khu vực hợp đồng này cách đường cơ sở lãnh hải Việt Nam chỉ có 84 hải lý, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 750 hải lý. Căn cứ các quy định của Công ước 1982, khu vực này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chuộc quyền chủ quyền cảu Việt Nam

Vấn đề các vùng viển và thềm lục địa chồng lấn

Với việc các quốc gia ven biển mở rộng các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán trên cơ sở Công ước 1982, Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn với hầu hết các nước trong khu vực Biển Đông như với Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Camphuchia và có thể cả với Brunei, Philippine.

2. Quan điểm của Việt Nam về giải quyết hoà bình các tranh chấp trên Biển Đông

Là một quốc gia yêu chuộng hoà bình, Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp quốc tế một cách hoà bình, bằng các biện pháp hoà bình, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp trên biển, giải quyết vấn đề hoạch định ranh giới biển liên quan với các nước làng giềng. Các tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ngày 12/5/1977 (về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam) và ngày 12/11/1982 (về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam) khẳng định quan điểm giải quyết các vấn đề bất đồng trên biển với các nước liên quan “thông qua thương lượng”  và công khai nêu rõ quan điểm giải quyết các tranh chấp trên biển của Việt Nam là “... cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mối bên”.Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam trong Nghị quyết ngày 23/6/1994 phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, cũng khằng định rõ lập trường của Việt Nam “ ...giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hoà bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa...”

Việt Nam tham gia hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về Luật biển từ năm 1977 và đã có những đóng góp nhất định vào cuộc đấu tranh của các nước đang phát triển và các nước xã hội chủ nghĩa trong Hội nghị và một trật tự pháp lý mới, công bằng trên biển; là một trong 130 quốc gia bỏ phiếu thông qua Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Công ước Luật biển 1982) và là một trong 119 quốc gia ký Công ước ngày 10/12/1982. Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá IX kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Bằng việc chính thức cam kết tuân thủ các quy định của Công ước 1982, Việt Nam “biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”.

Quan điểm “thương lượng”, một biện pháp hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế phổ biến và quan trọng nhất được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc và nhiều văn kiện quốc tế khác đã được Chính phủ Việt Nam quy định là hình thức ưu tiên sử dụng trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển với các nước liên quan. Quan điểm này của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Điểm nóng của tranh chấp trên Biển Đông hiện nay chủ yếu liên quan đến hai quần đào Hoàng Sa và Trường Sa. Một số nước làng giềng tranh chấp chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo có vị trí chiến lược quan trọng là Hoàng Sa và Trường Sa. Từ việc tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo này xuất hiện một loạt vấn đề liên quan khác bao gồm cả việc xác định phạm vi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia liên đới, giải pháp tạm thời nhằm duy trì hoà bình, ổn định của khu vực.

Bản chất của các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa là vị trí chiến lược của các quần đảo đó trong Biển Đông và nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là dầu khí (có tài liệu trữ lượng dầu mỏ ở khu vực phía Nam Biển Đông là từ 23,5 đến 30 tỷ tấn, khí thiên nhiên khoảng 8.300m3, quặng hiếm 250.000 tấn). Bên cạnh đó còn có các quyền lợi khác như dịch vụ đóng tàu, hải cảng, dịch vụ đường biển, vấn đề an toàn tuyến đường hàng hải (Biển Đông là nơi xảy ra nhiều vụ cướp biển nhất trên thế giới), vai trò ảnh hưởng chính trị của một số cường quốc.

Đối với vấn đề duy trì tình hình hoà bình, ổn định trên Biển Đông và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam tiếp tục chủ trương nhất quán giải quyết hoà bình các tranh chấp trên biển.

Liên quan trực tiếp đến tranh chấp trên Biển Đông, các quốc gia khu vực cam kết giải quyết các bất đồng và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế nhằm biến khu vực này thành khu vực hoà bình, phát triển và của tình hữu nghị giữa các dân tộc. Hàng loạt các cam kết quốc tế đã được ký kết và đang đòi hỏi những bước triển khai trên thực tế.

Năm 1992, các nước ASEAN đã ra một tuyên bố về vấn đề Biển Đông, gêu gọi các bên kiềm chế không sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế về biển, tăng cường hợp tác xây dựng lòng tin. Việt Nam là một bên tham gia “Tuyên bố của ASAEN về Biển Đông” năm 1992, “Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên trong Biển Đông” (DOC) năm 2002, “Tuyên bố về Hiệp ước Ba-li II” năm 2003, tích cực tham gia các diễn đàn khu vực như ASEAN, ARF và các diễn đàn quốc tế khác nhằm bảo vệ chủ quyền, ngăn ngừa xung đội, giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hoà bình, giữ gìn hoà bình, ổn định trên Biển Đông, mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường xây dựng lòng tin và phát triển kinh tế. Việt Nam cũng tiến hành đàm phán song phương với các nước liên quan như Trung Quốc, Philippine, Malaysia về vấn đề giải quyết tranh chấp và hợp tác trên Biển Đông.

Ngày 04/9/2002, tại Camphuchia , ASEAN và Trung Quốc đã ký tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), Tuyên bố này được coi là một cơ sở chính trị và pháp lý để góp phần giữ gìn ổn định trên Biển Đông.

Nội dung chính của DOC bao gồm 10 điểm:

- Khẳng định các bên liên quan cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế, bao gồm Công ước 1982 trong quan hệ giữa các nước trên Biển Đông.

- Các bên cam kết tìm kiếm các con đường để xây dựng lòng tin và sự tin cậy phù hợp với pháp luật quốc tế, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

- Các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải và tự do bay trên Biển Đông theo pháp luật quốc tế.

- Các bên liên quan khẳng định giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán giữa họ bằng biện pháp hoà bình không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực, thông qua thương lượng trên cơ sở pháp luật quốc tế.

- Các bên cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hay leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định, bao gồm cả việc không chiếm đóng các đảo, đá, bãi hay các địa hình khác hiện chưa có người, giải quyết các bất đồng trên tinh thần xây dựng.

- Trong khi chờ đợi giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, với tinh thần hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, các bên tăng cường tìm kiếm các phương thức nhằm xây dựng lòng tin.

- Các bên liên quan sẵn sàng tiếp tục trao đổi và đối thoại về các vấn đề liên quan, thông qua phương thức mà họ chấp nhận, bao gồm cả các cuộc tham khảo ý kiến thường kỳ về việc tuân thủ Tuyên bố này, nhằm mục đích tăng cường quan hệ làng giềng tốt và sự công khai, tạo điều kiện giải quyết hoà bình các tranh chấp.

- Các bên liên quan bày tỏ quyết tâm tôn trọng các điều khoản của Tuyên bố này và sẽ hành động phù hợp với bản Tuyên bố.

- Các bên khuyến khích các nước khác cùng tôn trọng các nguyên tắc được ghi nhận trong Tuyên bố này.

- Các bên liên quan khẳng định việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử trong Biển Đông sẽ giúp tăng cường hòa bình và ổn định trong khu vực  và đồng ý sẽ làm việc, trên có sở đồng thuận, để cuối cùng tiến tới mục tiêu này.

Vấn đề quan trọng hiện nay là cần phải tích cực triển khai cụ thể các thoả thuận của DOC trên tinh thần đa phương, tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển đông (COC).

Tóm lại Biển Đông hiện nay vừa là một môi trường thuận lợi cho hợp tác và phát triển, đồng thời cũng chứa đựng nhiều sự tranh chấp, cạnh tranh gay gắt, thách thức và nguy cơ đối với Việt Nam. Trong bối cành đó, có thể thấy rõ, quan điểm và lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển được thể chế hoá trong các văn bản pháp luật của Việt Nam và được thể hiện một cách nhất quán thông qua các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với các nước liên quan là “thông qua thương lượng” để đi đến các “thoả thuận” trên cơ sở phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế là hoàn toàn đúng đắn, hợp tình hợp lý, phù hợp với xu thế và tập quán chung trong khu vực, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Đặc biệt là thông qua việc ký kết và thực hiện các “Thoả thuận” trong khu vực về Biển đông, các điều ước về phân định biển và các “Thoả thuận tạm thời” về “Hợp tác cùng phát triển” với các nước hữu quan, Việt Nam đã thể hiện trên thực tế chủ trương đúng đắn là giải quyết mọi tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hoà bình; thể hiện quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng trật tự pháp lý công bằng trên biển, tăng cường sự phát triển và hợp tác quốc tế trên biển vì lợi ích của tất cả các nước liên quan, góp phần giữ gìn hoà bình và an ninh ở khu vực và trên thế giới.

Tài liệu tham khảo

1. Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển. Nxb Tp. Hồ Chí Minh. Tp. Hò Chí Minh 1996.

2. Huỳnh Minh Chính. Một số nét thực tiễn của Việt Nam về giải quyết hoà bình tranh chấp quốc tế trên biển. Tham luận tại hội thảo Chính sách pháp luật về biển và sự phát triển bền vững. Hạ Long 7/2005.

3. Nguyễn Bá Diến. Tổng quan pháp luật Việt Nam về biển. Tham luận tại hội thảo Chính sách pháp luật về biển và sự phát triển bền vững. Hạ Long 7/2005.

4. Nguyễn Hồng Thao. Tuyên bố cách ứng xử của các bên ở biển đông-bước tiến trên con đường thiết lập một bộ quy tắc ứng xử cho khu vực. Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 4/2003.

5. Nguyễn Trung Tín. Tìm hiểu Luật quốc tế. Nxb Đồng Nai. Đồng Nai 2000.

6. Nguyễn Trung Tín. Giáo trình Luật biển quốc tế. Nxb Công an nhân dân. Hà nội 2005.

7. Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trìnhLuật Quốc tế. Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội 2004.

Tin mới hơn

Tin cũ hơn