Nguyên tắc và cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế về biển


Tống Thị Phương Thảo, Bộ môn Chủ nghĩa Mác – Lênin, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp

1. Khái niệm tranh chấp quốc tế

Có nhiều quan điểm khác nhau về tranh chấp quốc tế. Tuy nhiên, một cách chung nhất, có thể xem tranh chấp quốc tế là một hoàn cảnh thực tế mà trong đó, các chủ thể tham gia có những quan điểm không giống nhau và có những đòi hỏi, yêu cầu cụ thể trái ngược nhau.

Thông thường, những tình thế này có thể là sự không thoả thuận được với nhau về các quyền và nghĩa vụ liên quan đến một sự kiện nào đó hoặc phát sinh trên cơ sở những điều ước quốc tế cụ thể. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp các bên không có sự thống nhất về cách hiểu và áp dụng những quy phạm pháp luật quốc tế. Mặt khác, trong đa số các trường hợp tranh chấp quốc tế, các bên thường không có sự đồng nhất về lợi ích mà đa phần là lợi ích quốc gia, một trong những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào đi nữa thì điểm chung nhất của các tranh chấp quốc tế đó là nó tạo ra một nhu cầu giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan. Việc giải quyết tranh chấp quốc tế có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế và đảm bảo sự hợp tác của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế.

Trước hết, thông qua việc giải quyết tranh chấp, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp sẽ được khẳng định và đảm bảo, nhất là những tranh chấp mà một bên ở vị thế yếu hơn. Với các cơ chế giải quyết tranh chấp đang tồn tại hiện nay, đảm bảo tính công bằng và quyền lợi hợp pháp của các bên luôn là một yêu cầu hàng đầu.

Hơn nữa, việc giải quyết tranh chấp quốc tế góp phần thúc đẩy việc thực thi, tuân thủ pháp luật quốc tế. Thực tiễn của tranh chấp quốc tế chỉ ra rằng trong rất nhiều trường hợp tranh chấp nguyên nhân cơ bản vẫn là sự vi phạm pháp luật quốc tế mà cụ thể là sự vi phạm các nghĩa vụ quốc tế đã cam kết. Do đó, nếu tranh chấp quốc tế được giải quyết nhanh chóng, hợp lý sẽ góp phần hạn chế được sự vi phạm pháp luật quốc tế và trật tự pháp lý quốc tế sẽ được đảm bảo.

Mặt khác, giải quyết tranh chấp quốc tế còn góp phần duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế. Đây là một điều hiển nhiên đang hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay. Nếu tranh chấp không được giải quyết kịp thời, căng thẳng giữa các bên sẽ kéo dài và đây sẽ là nhân tố gây ra sự bất ổn và cản trở việc duy trì, triển khai các hoạt động hợp tác không những giữa các bên tranh chấp mà còn với các quốc gia khác.

2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế về biển

Tranh chấp quốc tế về biển cũng là một loại tranh chấp quốc tế, do đó về cơ bản việc giải quyết các tranh chấp biển phải tuân theo những nguyên tắc chung của việc giải quyết tranh chấp quốc tế. Trước hết việc giải quyết các tranh chấp quốc tế về biển phải triệt để tuân theo các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc “hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế”. Cụ thể, điều 2 khoản 3 Hiến chương Liên hợp quốc đã quy định:“Tất cả các thành viên của Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình, sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý;” Tiếp đó, điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc cũng ghi nhận: “Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hoà bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, sử dụng những tổ chức hoặc những điều ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hoà bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình...”

Như vậy, một nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong giải quyết tranh chấp quốc tế về biển là bằng biện pháp hoà bình. Theo đó, các bên liên quan phải xem giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình là một nghĩa vụ bắt buộc. Điều này đồng nghĩa với việc Luật quốc tế nghiêm cấm các quốc gia sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế nói chung và tranh chấp biển nói riêng. Việc quy định các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế quy định tại điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc còn tạo ra cho các bên tranh chấp các sự lựa chọn biện pháp thích hợp cho các tình huống tranh chấp cụ thể. Thực tế, Luật quốc tế không tạo ra một “công thức” bắt buộc chung cho các quốc gia trong giải quyết tranh chấp. Việc lựa chọn phương pháp nào là hoàn toàn phụ thuộc vào các bên liên quan thoả thuận. Thậm chí các bên có thể không lựa chọn các biện pháp đã nêu trong điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc mà đề xuất một phương pháp khác phù hợp hơn. Điều bắt buộc duy nhất mà các bên phải tuân theo là phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình sao cho đảm bảo hoà bình và an ninh quốc tế.

Ngoài ra, tranh chấp quốc tế về biển có những đặc trưng riêng cho nên việc giải quyết tranh chấp biển cũng có những nguyên tắc đặc trưng. Trước hết, việc giải quyết tranh chấp biển phải tôn trọng việc bảo vệ và duy trì các nguồn tài nguyên khoáng sản vì lợi ích chung của nhân loại. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của biển đối với đời sống loài người lại càng không thể khoanh tay đứng nhìn nguồn tài nguyên biển ngày càng cạn kiệt do sự khai thác, sử dụng quá mức và vô kế hoạch của con người. Do đó, trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế về biển, việc lựa chọn giải pháp nào cho các bên cũng phải tính đến tính lợi hại đối với tài nguyên biển. Đặc biệt đối với những tranh chấp liên quan đến việc sử dụng, khai thác và quản lý những vùng biển chung hoặc liền kề nhau giữa các quốc gia. Nếu được, có thể xem xét đến khả năng hy sinh một phần lợi ích của các bên để bảo vệ và duy trì nguồn tài nguyên biển.

Mặt khác, việc giải quyết tranh chấp quốc tế về biển cũng phải tính đến vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển. Môi trường biển chính là môi trường sống của con người, do đó “sức khoẻ” của biển cũng chính là “sức khoẻ” của con người. Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường biển cũng phải được xem xét đến trong khi các bên tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp. Đây cũng chính là trách nhiệm của các cơ quan tư pháp quốc tế nếu trường hợp tranh chấp được đưa đến các cơ quan này. Như vậy, có thể hiểu rằng việc giải quyết tranh chấp quốc tế về biển không chỉ dựa vào pháp luật quốc tế đơn thuần hoặc chỉ chú trọng bảo vệ lợi ích của các bên mà còn phải tìm kiếm một giải pháp cân bằng, bảo vệ quyền lợi của cộng đồng quốc tế nói chung mà trước hết là bảo đảm một môi trường sống lành mạnh cho con người hướng đến sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc giải quyết tranh chấp quốc tế về biển cũng phái tính đến nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của các quốc gia không có biển và các quốc gia bất lợi về mặt địa lý. Đây cũng có thể xem là một nguyên tắc đặc trưng trong luật biển và giải quyết tranh chấp quốc tế về biển. Xuất phát từ quan niệm biển là của chung, Luật biển quốc tế đã giành cho các quốc gia không có biển hoặc các quốc gia bất lợi về mặt địa lý một số quyền lợi liên quan đến biển. Trong đó, có thể kể đến trước tiên đó là quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải các quốc gia ven biển. Tiếp đến là quyền được khai thác một phần nguồn lợi thuỷ hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế. Hoặc là một số quyền lợi khác ở các vùng biển khác như nghiên cứu khoa học biển, lắp đặt các đảo nhân tạo..vv. Do đó, khi giải quyết tranh chấp quốc tế về biển, các bên liên quan phải tính đến quyền lợi hợp pháp của các quốc gia không có biển hoặc các quốc gia bất lợi về mặt địa lý.

3. Cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế về biển

3.1. Giải quyết tranh chấp quốc tế về biển theo Hiến chương Liên hợp quốc

Theo Công ước 1982, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp về giải thích và áp dụng Công ước trên cơ sở trước hết là Hiến chương Liên hợp quốc. Về vấn đề này, Hiến chương Liên hợp quốc yêu cầu các quốc gia phải giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả tranh chấp về biển, bằng biện pháp hoà bình. Trong số các biện pháp mà Hiến chương đã liệt kê tại điều 33, việc giải quyết tranh chấp bằng Toà án quốc tế dựa trên cơ sở Quy chế toà án quốc tế là một sự lựa chọn mà các quốc gia có thể thoả thuận.

Toà án quốc tế (hay còn gọi là Toà án Công lý quốc tế) là một cơ quan tư pháp của Liên Hợp quốc, thành lập và hoạt động theo Quy chế toà án quốc tế. Toà án quốc tế có hai chức năng chủ yếu là giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia và đưa ra kết luận tư vấn về pháp lý cho các cơ quan của Liên hợp quốc. Tuy vậy, Toà án quốc tế chỉ giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia khi các bên tranh chấp đồng ý đưa tranh chấp ra Toà án quốc tế để giải quyết. Đồng thời với việc thoả thuận đó thì một điều kiện khác để đảm bảo thẩm quyền xét xử của Toà án quốc tế là việc chấp nhận thẩm quyền. Theo Hiến chương Liên hợp quốc và nguyên tắc hoạt động của Toà án quốc tế thì các quốc gia có thể tuyên bố rằng mình thừa nhận thẩm quyền của Toà án bất cứ thời điểm nào và lúc đó Toà án sẽ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp mà quốc gia đó đưa ra. Khi giải quyết các tranh chấp quốc tế, quyết định của Toà án quốc tế quyết định bắt buộc và có hiệu lực thi hành đối với các bên tranh chấp. Hiến chương Liên hợp quốc cũng có những biện pháp để đảm bảo phán quyết của Toà án sẽ được thực thi. Cụ thể tại điều 94 của Hiến chương, nếu một trong các bên tranh chấp không chịu thi hành bản án thì bên kia có quyền yêu cầu Hôị đồng bảo an kiến nghị hoặc đưa ra những quyết định để phán quyết của Toà án quốc tế được thi hành.

Bên cạnh Toà án quốc tế, Đại hội đồng và Hội đồng bảo an cũng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp về biển. Với tư cách là cơ quan tối cao của Liên hợp quốc, Đại hội đồng có quyền thảo luận bất cứ vấn đề gì về hoà bình và an ninh, đưa ra khuyến nghị về bất cứ vấn đề gì cho quốc gia hữu quan hoặc hội đồng bảo an. Như vậy, đối với những tranh chấp biển, đặc biệt là những tranh chấp có nguy cơ ảnh hưởng đến hoà bình và an ninh quốc tế, thì Đại hội đồng có thể tham gia vào việc giải quyết bằng việc xen xét và đưa ra những khuyến nghị.

Hội đồng bảo an cũng là một trong những nhân tố quan trọng để đảm bảo việc giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế. Với tư cách là cơ quan lãnh đạo chính trị thường trực của Liên hợp quốc, Hội đồng bảo an là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Theo đó, nếu có những tranh chấp quốc tế xảy ra có nguy cơ đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế, Hội đồng bảo an có thể yêu cầu các bên giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc hoặc kiến nghị một biện pháp cụ thể. Ngoài ra, Hội đồng bảo an có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế hoặc xung đột quốc tế; khi cần thiết có thể sử dụng hành động kể cả bằng cưỡng chế và vũ lực, nhằm loại trừ các mối đe doạ, phá hoại hoà bình, hoặc các hành động xâm lược.

Tóm lại, việc giải quyết các tranh chấp quốc tế trong đó có tranh chấp về biển có thể được tiến hành theo cơ chế của Liên hợp quốc, trong đó, Toà án quốc tế đóng vai trò là một cơ quan chủ đạo và là một lựa chọn cho các bên tranh chấp nều họ đồng ý chấp nhận thẩm quyền của Toà án quốc tế. Ngoài ra, với chức năng duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, Đại hội đồng và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng có vai trò quan trọng trong việc xem xét và đưa ra những kiến nghị cho việc giải quyết các tranh chấp quốc tế.

3.2. Giải quyết tranh chấp biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982

Theo Công ước năm 1982 về Luật biển, trong quá trình khai thác và sử dụng biển, các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa họ về việc giải thích và áp dụng Công ước bằng phương pháp hoà bình theo đúng quy định của Liên hợp quốc. Như vậy, các quốc gia thành viên của Công ước có quyền đi đến thỏa thuận giải quyết tranh chấp bất cứ lúc nào, bằng bất kỳ phương pháp hoà bình nào theo sự lựa chọn. Mặt khác, khi có tranh chấp giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng điều ước, các bên tranh chấp cần tiến hành trao đổi quan điểm về cách giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hay bằng các phương pháp hoà bình khác. Việc giải quyết tranh tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước 1982 về Luật biển cũng có thể áp dụng phương pháp hoà giải.

Bất kỳ một quốc gia thành viên Công ước nào trong vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước đều có thể yêu cầu quốc gia khác hay các bên khác đưa vụ việc ra hoà giải theo thủ tục trì định trong Công ước 1982, hoặc theo một thủ tục hoà giải khác. Khi yêu cầu đã được chấp nhận và nếu các bên đồng ý về thủ tục hoà giải sẽ được áp dụng, thì bất kỳ bên nào cũng có thể đưa vụ tranh chấp ra hoà giải theo thủ tục đó. Khi một vụ tranh chấp đã được đưa ra hoà giải, thì chỉ có thể kết thúc việc hoà giải theo đúng thủ tục hoà giải đã thoả thuận, trừ khi các bên có thoả thuận khác. Ngược lại, nếu các yêu cầu không được chấp nhận hoặc các bên không thể thoả thuận được về mặt thủ tục hoà giải, thì coi như đã chấm dứt việc hoà giải. Trong mọi trường hợp, các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước không được giải quyết, theo yêu cầu của một bên, đều được đưa ra trước toà án có thẩm quyền theo Công ước 1982.

Xuất phát từ vị trí và tầm quan trọng của biển và những tranh chấp quốc tế về biển, Công ước 1982 cũng thiết lập thêm một số thiết chế có chức năng giải quyết tranh chấp quốc tế về biển. Cụ thể, các quốc gia là thành viên của Công ước 1982 có thể lựa chọn các hình thức giải quyết sau đây: Toà án quốc tế về Luật biển được thành lập theo phụ lục VI, công ước 1982; Toà trọng tài được thành lập theo phụ lục VII Công ước 1982; và Toà Trọng tài đặc biệt được thành lập theo phụ lục VIII Công ước 1982. Khi lựa chọn các thiết chế giải quyết tranh chấp nói trên, các quốc gia thể hiện thông tuyên bố bằng văn bản và việc lựa chọn có thể một hoặc các biện pháp đã nêu. Trong trường hợp một quốc gia là một bên trong vụ tranh chấp mà không đưa ra một tuyên bố như đã nêu ở trên thì được xem như là đã chấp nhận thủ tục trọng tài đã trù định trong Công ước 1982 theo phụ lục VII.

Mặt khác, nếu các bên trong tranh chấp đã chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp thì vụ tranh chấp đó chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục đó, trừ khi các bên có thoả thuận khác. Tuy nhiên, nếu các bên tranh chấp không chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp, thì vụ tranh chấp đó chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục trọng tài đã được trù định tại phụ lục VII, Công ước 1982, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Toà án quốc tế về Luật biển cũng có thẩm quyền giải quyết bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước. Những tranh chấp này có thể xảy ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: giải thích và áp dụng Công ước về việc thực hiện các quyền thuộc chủ quyền hoặc quyền tài phán của quốc gia ven biển; giải thích và áp dụng Công ước về nghiên cứu khoa học biển; giải thích và áp dụng Công ước về việc đánh bắt hải sản; giải thích và áp dụng Công ước về hoạch định ranh giới các vùng biển, các vụ tranh chấp về các vịnh hoặc các vùng thuộc về lịch sử ...vv.

Tài liệu tham khảo

1. Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển. Nxb Tp. Hồ Chí Minh. Tp. Hồ Chí Minh 1996.

2. Nguyễn Hồng Thao. Toà án quốc tế về Luật biển. Nxb Tư pháp, Hà Nội 2006.

3. Nguyễn Trung Tín. Giáo trình Luật biển quốc tế. Nxb Công an nhân dân. Hà nội 2005.

4. Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Quốc tế. Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội 2004.

Tin mới hơn

Tin cũ hơn