Căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai trong Cách mạng tháng tám - 1945


ThS. Nguyễn Thị Nga

                                                                    Bộ môn Lý luận Chính trị

 

Thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945 để lại cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Một trong những bài học kinh nghiệm đó là công tác xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng. Căn cứ địa cách mạng đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình của cách mạng. Đó là nơi đứng chân của cơ quan đầu não của cách mạng, là nơi xây dựng, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng, là nơi cung cấp sức người, sức của cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Do điều kiện của cuộc đấu tranh trong hoàn cảnh Đảng ta còn non trẻ, cơ sở lực lượng còn nhỏ yếu nên nông thôn rừng núi là nơi có đủ điều kiện làm chỗ đứng chân và xây dựng căn cứ địa từ nhỏ đến lớn. Đó là nơi: “có địa thế hiểm yếu che chở và quần chúng cảm tình ủng hộ”. Tại nơi ấy, đội du kích tích trữ lương thực, thuốc đạn, lâu lâu về đó nghỉ ngơi, luyện tập”. Đội du kích hoạt động phát triển nhiều thì chỗ cơ sở nhỏ đầu tiên ấy có thể trở nên căn cứ địa vững vàng, nhất là sau khi đội du kích đánh đuổi được quân giặc và thành lập chính quyền cách mạng trong địa phương”[1]. Như vậy, với những điều kiện thuận lợi, nông thôn miền núi được coi là vị trí hàng đầu cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng. Trong quá trình đấu tranh tiến tới giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám 1945, do điều kiện cụ thể của Việt Bắc về địa thế, con người và truyền thống đấu tranh trong lịch sử, Việt Bắc đã được Trung ương Đảng chọn để làm căn cứ địa cách mạng. Để xây dựng được khu căn cứ địa Việt Bắc với khu giải phóng rộng lớn, Đảng ta phải đi từ những khu căn cứ nhỏ hơn. Khu căn cứ Võ Nhai - Bắc Sơn là một trong những vùng quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc. Một khu căn cứ có những đóng góp to lớn vào thắng lợi của cách mạng tháng Tám.

Đặc điểm của vùng Bắc Sơn - Võ Nhai.

Bắc Sơn là một huyện thuộc Lạng Sơn, Võ Nhai thuộc Thái Nguyên, là một vùng nằm ở vùng núi phía Đông Bắc. Địa hình chủ yếu là đồi núi, đi lại khó khăn. Huyện Bắc Sơn và Võ Nhai là hai huyện nằm liền kề nhau, có mối liên hệ với nhau về nhiều mặt. Nằm trên tuyến đường từ Hà Nội qua Thái Nguyên lên biên giới Việt - Trung, hai châu này có vị trí thuận lợi cho việc giao thông liên lạc.

 Về cư dân, đồng bào của của hai châu này hầu hết thuộc các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chí... Là những vùng núi nên kinh tế của những vùng cư dân này lạc hậu và thấp kém. Về văn hóa xã hội, dân tộc ở các vùng này vẫn còn tồn tại rất nhiều hủ tục lạc hậu. Đời sống của người dân vùng này vô cùng cơ cực.

Khi thực dân Pháp vào xâm lược nước ta, cư dân vùng này cũng như cư dân cả nước, đều bị bọn đế quốc và tay sai áp bức về chính trị, bóc lột về kinh tế và kìm hãm về văn hóa xã hội rất nặng nề. Thêm vào đó, tệ nạn các dân tộc chèn ép nhau, hậu quả của chính sách chia để trị của của bọn đế quốc. Làm cho đời sống của nhân dân trong vùng đã khó khăn lại càng khốn khó hơn.

Vì nằm trên con đường giao thông nối liền với Hà Nội và Trung Quốc, trước đây, “có thời kỳ Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng đóng ở Trung Quốc, dùng đường dây này làm một trong những đường dây liên lạc với trong nước và ngược lại. Đồng chí Hoàng Văn Thụ và nhiều đồng chí khác đã từng qua lại hoạt động gây cơ sở Đảng và quần chúng ở vùng này”[2]. Trong thời kỳ 1936 - 1939, dưới sự chỉ đạo của Đảng, nhân dân Bắc Sơn, Võ Nhai tổ chức đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, đòi các quyền dân chủ nhân dân...

Nhìn chung, Bắc Sơn, Võ Nhai là hai vùng có địa thế chiến lược với cách mạng nước ta. Một vùng căn cứ thuận lợi cho việc đứng chân và xây dựng lực lượng của cách mạng nước ta. Do đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, lại bị thực dân Pháp đàn áp nặng nề nên những chủ trương hợp dân nguyện của Đảng đã nhanh chóng thu hút được sự ủng hộ của nhân dân. Nhân dân tin và sẵn sàng đi theo con đường đấu tranh của Đảng vạch ra.

Chủ trương của Đảng trong quá trình hình thành khu căn cứ Võ Nhai - Bắc Sơn.

Cuối những năm 30 của thế kỷ XX, tình hình thế giới có những chuyển biến hết sức phức tạp. Chủ nghĩa phát xít với những chính sách phản động đã gây ra cuộc chiến tranh thế giới thứ hai (1 - 9 - 1939). Mặt trận dân dân Pháp nhanh chóng tan vỡ. Chính phủ mới lập lên đã thi hành rất nhiều chính sách tàn bạo ở chính quốc và thuộc địa. Tháng 9 - 1940, Nhật nhảy vào Đông Dương, thực dân Pháp ở đây đã hèn nhát đầu hàng Nhật. Hành động của Pháp làm nhân dân ta vô cùng phẫn nộ. Sau đó, Nhật - Pháp đã câu kết với nhau cùng áp bức bóc lột nhân dân ta. Nhân dân ta dưới hai tầng áp bức Pháp - Nhật phải chịu vô vàn thống khổ. Những tưởng chính sách đàn áp của chế độ thực dân làm cho tinh thần cách mạng tổn thất, nhưng ngược lại, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tạo những bước chuyển mới trong quá trình đấu tranh và tiếp tục cuộc cách mạng. Lực lượng cách mạng của ta rút vào hoạt động bí mật, và có sự chuyển hướng chỉ đạo trong tình hình mới.

Hội nghị Trung ương 6 của Đảng (11 - 1939) xác định: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn con đường nào khác hay hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả các ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng”[3]. Tại Hội nghị này, nhiệm vụ giải phóng dân tộc đã được đưa ra. Có thể thấy nhận thức của Đảng về một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong điều kiện mới là phù hợp. Theo đó, chủ trương về bạo động vũ trang cũng được đưa ra: “Dự bị những điều kiện để bước tới bạo động, làm cách mạng giải phóng dân tộc”[4]. Với tình hình đấu tranh mới, Đảng ta đã có những thay đổi kịp thời để có những chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với tình thế cách mạng. Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương đã đánh dấu bước chuyển hướng đúng đắn về chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng và mở đầu cho thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam - thời kỳ vận động cách mạng giải phóng dân tộc 1939 - 1945.

Để thực hiện cuộc đấu tranh vũ trang, cách mạng nước ta phải có lực lượng và nơi đứng chân của lực lượng đó. Lực lượng cách mạng là lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang trải qua các cao trào đấu tranh 1930 - 1931, 1936 - 1939 đã được hình thành và phát triển đáng kể. Nhưng đó chủ yếu là lực lượng quần chúng nhân dân, cần có một quân đội chính quy, làm lực lượng nòng cốt của cách mạng. Vấn đề xây dựng căn cứ địa cách mạng cũng hết sức quan trọng. Để thực hiện cuộc đấu tranh vũ trang giành chính quyền, xây dựng được căn cứ địa cách mạng là một yêu cầu cấp bách. Quá trình xây dựng căn cứ địa cách mạng cũng chính là quá trình giải phóng các vùng dân cư và mở rộng cơ sở Đảng. Vấn đề xây dựng căn cứ địa cách mạng được đề ra trong Hội nghị Trung ương lần thứ 7 của Đảng (11 - 1940). Hội nghị nhận định: Do ách áp bức bóc lột của Pháp - Nhật, mâu thuẫn giữa chúng và nhân dân Đông Dương càng trở nên sâu sắc, “Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy chính quyền tự do, độc lập”. Với tinh thần này, trước cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Đảng ta đã chủ trương: “Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra là đúng; bây giờ nó đã thất bại, cần phải duy trì ảnh hưởng của nó, phải củng cố và phát triển đội du kích Bắc Sơn. Đội có nhiệm vụ dùng hình thức vũ trang công tác, khi cần thì chiến đấu chống khủng bố, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, phát triển cơ sở cách mạng tiến tới thành lập căn cứ địa cách mạng, lấy vùng Bắc Sơn - Võ Nhai làm trung tâm, do Trung ương trực tiếp chỉ đạo”[5]. Chủ trương này của Đảng đã thúc đẩy quá trình phát triển và mở rộng căn cứ địa cách mạng. Để có được khu căn cứ địa Việt Bắc rộng lớn với 6 tỉnh miền núi phía Bắc cũng phải trải qua một quá trình dài, hình thành từ những vùng căn cứ nhỏ. Khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai với những điều kiện thuận lợi của mình đã trở thành khu căn cứ đầu tiên của cách mạng tháng Tám - một khu căn cứ địa quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc.

Vai trò của căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai trong cách mạng tháng Tám 1945.

            Để có được thành công của cuộc cách mạng tháng Tám 1945 có thể kể ra rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng không thể phủ nhận vai trò của căn cứ địa Việt Bắc. Để có được căn cứ địa Việt Bắc rộng lớn thì Đảng ta phải bắt đầu xây dựng từ những khu căn cứ nhỏ. Căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai là một vùng căn cứ quan trọng đó. Đánh giá về vai trò của căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai trong cách mạng tháng Tám 1945, có thể đưa ra các ý kiến sau:

            Thứ nhất, khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai là căn cứ mở đầu cho quá trình xây dựng căn cứ địa Việt Bắc. Từ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và đội du kích Bắc Sơn, căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai được hình thành. Quá trình đấu tranh bảo toàn lực lượng của đội Cứu quốc quân cũng chính là quá trình mở rộng địa bàn, xây dựng lực lượng cách mạng.

            Thứ hai, đội Cứu quốc quân, hoạt động trên địa bàn Bắc Sơn - Võ Nhai là lực lượng chủ đạo bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng trong Hội nghị Trung ương Đảng 8 - Hội nghị quyết định những vấn đề quan trọng cho Tổng khởi nghĩa.

            Thứ ba, căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai chính là nơi xây dựng đội Cứu quốc quân, tiền thân của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đội Cứu quốc quân có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng lực lượng cách  mạng, bảo vệ chính quyền đảng bộ và duy trì cuộc đấu tranh của đảng bộ cũng như đấu tranh của quần chúng nhân dân.

            Thứ tư, Bắc Sơn - Võ Nhai chính là nơi xây dựng những lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang. Là nơi đứng chân của chính quyền cách mạng. Và tổ chức nhân dân, vận động nhân dân đi theo cách mạng. Đây là những vùng được giải phóng đầu tiên để thiết lập khu giải phóng Việt Bắc.

            Với những vai trò quan trọng này, có thể thấy căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai có ý nghĩa to lớn đối với thắng lợi của cách mạng tháng Tám - 1945.

            Tựu chung lại, quá trình xây dựng căn cứ địa cách mạng là một quá trình khó khăn, phức tạp. Để xây đựng được một căn cứ địa cách mạng vững chắc, rộng lớn thì Đảng và những người cách mạng phải trải qua một quá trình đấu tranh gian khổ để giành đất, giành dân. Thêm vào đó phải thực hiện công tác dân vận, phát triển kinh tế và không ngừng bảo vệ và mở rộng vùng căn cứ đó. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, lý thuyết về xây dựng căn cứ địa cách mạng được chuyển sang xây dựng hậu phương. Tuy nhiên, hậu phương hay căn cứ địa đều giữ vai trò cung cấp sức người, sức của cho cuộc chiến. Vì vậy, những bài học kinh nghiệm của quá trình xây dựng căn cứ địa cách mạng (căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai) vẫn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng hậu phương trong kháng chiến chống Mỹ.

            Trước tiên, phải thấy rằng chủ trương lấy vùng nông thôn miền núi làm căn cứ địa cách mạng là hoàn toàn đúng đắn. Nông thôn miền núi là vùng có sự kiểm soát hạn chế của chính quyền thực dân. Đại bộ phận là quần chúng nhân dân lao động sống vất vả dưới ách áp bức của chế độ thực dân và tay sai. Vì vậy, khi chủ trương của Đảng hợp lòng dân thì nhanh chóng được quần chúng nhân dân ủng hộ, tin theo. Vùng nông thôn miền núi cũng là vùng có địa bàn rộng lớn, thuận lợi cho việc gây dựng chỗ đứng chân và tiến hành chiến tranh du kích.

            Thứ hai, xây dựng căn cứ địa cách mạng là một công việc khó khăn. Vì vậy, quá trình xây dựng phải được tổ chức từng bước. Xây dựng từ các tiểu khu sau đó mới tiến lên xây dựng các vùng căn cứ rộng lớn. Trong quá trình xây dựng căn cứ địa cho cách mạng tháng Tám, từ khu căn cứ trung tâm Bắc Sơn - Võ Nhai, ta nhanh chóng xây dựng các trung tâm căn cứ địa song song là Cao Bằng và Đại Từ - Định Hóa - Sơn Dương - Yên Sơn. Từ những trung tâm căn cứ này mà phát triển thành khu giải phóng rộng lớn.

            Thứ ba, xây dựng căn cứ địa cách mạng phải được sự ủng hộ của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: căn cứ địa, hậu phương vững chắc nhất chính là lòng dân. Trong quá trình đấu tranh xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, quá trình đấu tranh nhưng Đảng ta luôn chú ý tới việc đảm bảo quyền lợi của quần chúng nhân dân. Các khẩu hiệu đấu tranh chính trị thường tập trung vào việc chống sưu cao, thuế nặng, đảm bảo các quyền dân chủ của nhân dân. Sau khi đập tan chính quyền tay sai, Đảng ta chủ trương xây dựng chính quyền cách mạng, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

            Thứ tư, kinh nghiệm quan trọng trong quá trình xây dựng căn cứ ở miền núi là trong khi tiến hành vận động quần chúng miền núi cần chú ý những những đặc điểm tâm lý dân tộc, phong tục tập quán của nhân dân; cần có sự kết hợp đúng đắn giữa việc huy động, tổ chức lực lượng với việc giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân nhằm tạo ta một động lực thúc đẩy sự nghiệp chung của cách mạng. Nắm được tình hình, đặc điểm của các dân tộc miền núi sẽ giúp cán bộ cách mạng hiểu dân, thực hiện công tác vận động quần chúng có hiệu quả.

            Căn cứ địa cách mạng là vùng được chọn để làm bàn đạp xây dựng và phát triển phong trào cách mạng rộng ra các vùng khác. Căn cứ địa cách mạng phải có khả năng tạo được những cơ sở chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội và địa lí thuận lợi cho đấu tranh cách mạng và chiến tranh cách mạng. Xây dựng căn cứ địa cách mạng phải bắt đầu từ xây dựng cơ sở chính trị, cơ sở vũ trang, xây dựng chính quyền cách mạng để trên cơ sở đó, từng bước xây dựng kinh tế và xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển của cách mạng. Theo nguyên tắc đó, căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, với những điều kiện thuận lợi của nó đã được chọn và tiếp tục duy trì, trở thành trung tâm căn cứ địa đầu tiên của khu giải phóng Việt Bắc, của cách mạng tháng Tám. Quá trình xây dựng căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai phải trải qua một quá trình đấu tranh anh dũng, đi đầu là đội Cứu quốc quân để thực hiện công việc gây dựng cơ sở cách mạng cho vùng này. Thành công của cách mạng tháng Tám 1945 không thể phủ nhận vai trò to lớn của căn cứ Việt Bắc. Đóng góp vào thành công đó, Băc Sơn - Võ Nhai luôn khẳng định vị thế của mình trong tiến trình phát triển lực lượng và tiến trình phát triển của cách mạng.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Ban nghiên cứu lịch sử Đảng khu tự trị Việt Bắc, Lịch sử Cứu quốc quân, Nxb Việt Bắc, 1975.

2.      Căn cứ địa Việt Bắc (trong cách mạng tháng Tám - 1945), Hoàng Ngọc Khánh, Lê Hồng, Hoàng Ngọc La, Nxb Việt Bắc, 1976.

3.       Cách mạng tháng Tám một số vấn đề lịch sử, Văn Tạo (chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, 1995.

4.      Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 3, Lê Mậu Hãn (chủ biên), Nxb Giáo dục, 2005.

5.      Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.

6.      Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

7.      Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 2, Nxb Sự thật.

8.      Kỉ yếu hội thảo khoa học Kỉ niệm 55 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2 – 9 (1945 – 2000), Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.

9.      Lịch sử đấu tranh cách mạng của đảng bộ và nhân dân huyện Bắc Sơn (1930 - 1954), tập 1, Đảng bộ huyện Bắc Sơn xuất bản, 1990.

10.  Những ngày đầu, hồi ký, Lê Dục Tôn, Nxb Việt Bắc, 1971.

11.  Những chặng đường lịch sử, Võ Nguyên Giáp, Nxb Văn học, Hà Nội, 1997.

12.  Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

13.  Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

14.  Quá trình hình thành và phát triển căn cứ địa Việt Bắc, Hoàng Ngọc La, Luận án tiến sĩ lịch sử, 1993.

 

 

 

 



[1]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 504

 

[2] Căn cứ địa Việt Bắc (trong cách mạng tháng Tám - 1945), Hoàng Ngọc Khánh, Lê Hồng, Hoàng Ngọc La, Nxb Việt Bắc, 1976, tr18

 

[3] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 57

[4] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 60

[5] Căn cứ địa Việt Bắc (trong cách mạng tháng Tám - 1945), Hoàng Ngọc Khánh, Lê Hồng, Hoàng Ngọc La, Nxb Việt Bắc, 1976, tr 23

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn