Phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong cuộc chiến phòng chống dịch covid 19 dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

Dương Thị Thùy Linh – Tổ pháp luật- Bộ môn LLCT

Dân tộc Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong quá trình đấu tranh chống kẻ thù hùng mạnh từ nhiều nơi đến, Nhân dân Việt Nam đã thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, sự thông minh sáng tạo, ý thức độc lập tự chủ, tự lực, tự cường. Nhờ vậy mà Nhân dân Việt Nam liên tục đứng lên giành được độc lập dân tộc và giành thắng lợi hoàn toàn. Vận dụng, phát triển những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Thực tiễn cách mạng nước ta từ khi có Đảng, nhất là thực tiễn 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thể hiện một cách sinh động ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc ta. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần tự lực, tự cường đã được vận dụng, phát triển xuyên suốt qua các kỳ Đại hội, Đại hội XIII của Đảng đã xác định các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp trên thế giới, nhất là biến chủng Delta, biến chủng mới Omicron bùng phát mạnh, lây lan nhanh và tử vong tại nhiều nước, kể cả các quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Dịch bệnh này bùng phát vào tháng 12-2019, nay đã nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay là cuộc chiến chống lại loại “giặc” vô hình. Trong khó khăn, thách thức, một lần nữa tinh thần tự lực, tự cường trong quan điểm Hồ Chí Minh được khẳng định cả về giá trị lý luận và thực tiễn tiếp tục tỏa sáng.

 

1. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường

Một là, ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế. Nguyễn Ái Quốc cho rằng, cách mạng ở các nước thuộc địa (trong đó có Việt Nam) hoàn toàn có thể chủ động giành thắng lợi, không phụ thuộc việc cách mạng ở chính quốc có thắng lợi hay không.

Hai là, ý chí tự lực, tự cường là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Hồ Chí Minh khẳng định, nhân tố mang tính quyết định của cách mạng giải phóng dân tộc chính là sức mạnh của toàn dân tộc. Người nhấn mạnh vấn đề có tính nguyên tắc: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”.

Ba là, ý chí tự lực, tự cường là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, điều kiện trước hết là phải có một Đảng cách mệnh, “để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy.

Bốn là, ý chí tự lực, tự cường là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “nhân dân” là phạm trù cao quý nhất. Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

Năm là, ý chí tự lực, tự cường là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyết tâm bảo vệ và giữ vững độc lập dân tộc, “nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”, thể hiện rất rõ khi Tổ quốc bị lâm nguy, khi dân tộc phải đương đầu với những kẻ thù có sức mạnh kinh tế - quân sự vào hàng cường quốc thế giới, chống lại âm mưu áp đặt chế độ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc thực dân.

2. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong cuộc chiến chống Covid-19 dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

Dịch bệnh Covid-19 là đại dịch nguy hại có tác động to lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Đây là một dịch bệnh có sức tàn phá và hủy diệt khủng khiếp. Điều rất khác biệt của đại dịch lần này chính là sự lan tỏa vô cùng nhanh chóng. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trở thành cơ hội đưa Covid-19 đi theo các đường hàng không, đường bộ, đường thủy đến tất cả các châu lục và tàn phá nghiêm trọng ngay cả các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản… Covid-19 đã xâm nhập tới hơn 200 nước trên thế giới; làm cho hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội ở các nước bị ngưng trệ, đảo lộn, đứt gãy; có nơi, có lúc bị hỗn loạn. Kinh tế thế giới đứng trước thách thức nghiêm trọng, rơi vào cuộc khủng hoảng mới khó đoán định. Covid-19 làm gia tăng các nhân tố bất ổn, bất trắc và bất định trên phạm vi thế giới, khu vực và trong nhiều quốc gia, làm gia tăng sự phức tạp trong quan hệ quốc tế. Với các mức độ khác nhau, các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly tập trung, cấm đoán hoặc hạn chế các hoạt động tối cần thiết trong đời sống gây tâm trạng bất an, lo âu và bào mòn cuộc sống của người dân. Cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 trở thành một cuộc cách mạng mới tại Việt Nam. Và lúc này tư tưởng tự lực, tự cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Những ngày đầu chống dịch, bằng chính tinh thần tự lực, tự cường, Việt Nam đã chủ động xây dựng chiến lược dự phòng với tình huống xấu nhất, xây dựng các kịch bản cách ly theo các mức độ. Tập huấn cho mạng lưới y tế từ tuyến xã đến tuyến trung ương, kết nối các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo đủ nguồn cung các thiết bị y tế. Nhất quán với chiến thuật giám sát chặt, cách ly nhanh, khoanh vùng triệt để, nhà nước đã triển khai nhiều chính sách như khai báo y tế điện tử toàn dân và du khách nước ngoài, xét nghiệm và điều trị miễn phí, cách ly miễn phí và hỗ trợ tiền ăn, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, kiểm soát nhập cảnh ngưng tiếp nhận người nước ngoài vào Việt Nam. Các chính sách ngăn chặn lây lan cũng đã được thực hiện kiên quyết như đóng cửa trường học, ngưng mọi hoạt động tập trung đông người, bắt buộc sử dụng khẩu trang nơi công cộng, yêu cầu các đơn vị kinh doanh tạm ngưng hoạt động, các doanh nghiệp thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, tích cực, tự giác tham gia các phong trào, chương trình ủng hộ việc phòng, chống dịch Covid-19.       

Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tỉnh phải chủ động lo cho tỉnh, huyện lo cho huyện, xã lo cho xã, thôn, bản, ấp, tổ dân phố cũng phải tự lo cho mình; từng người dân phải có trách nhiệm với chính mình, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và vì sức khỏe của cộng đồng. Các địa phương đã chủ động ban hành các kế hoạch, kịch bản ứng phó về phòng chống dịch Covid-19 đến các Trạm y tế các xã, thị trấn; đến cán bộ y, bác sĩ, nhân viên và người lao động để thực hiện. Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền qua loa truyền thanh cơ sở, tuyên truyền bằng xe lưu động. Một số địa phương xảy ra dịch Covid-19 cũng đã chủ động “đi trước một bước” đó là “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng và dập dịch”. Nhiều địa phương cũng đã rất thành công với bài học nhận diện, chủ động phòng, chống; chủ động chuẩn bị phương án, vật tư...

Trong công tác phòng, chống đại dịch, Việt Nam không trông chờ ỷ lại sự giúp đỡ của các quốc gia khác, nhằm phát huy sức mạnh nội sinh, Việt Nam chủ động đẩy mạnh nghiên cứu vaccine Covid-19. Việc sản xuất vaccine trong nước thể hiện tinh thần tự lực, tự cường, độc lập tự chủ trong đảm bảo an ninh y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi vaccine trên thế giới rất khan hiếm. Ngoài ra, chúng ta sản xuất nhiều chế phẩm đặc biệt nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống robot y tế vận chuyển trong khu cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao để thay thế con người vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm từ ngoài khu cách ly vào trong khu vực cách ly, đến từng phòng để phục vụ người bệnh.

Đặc biệt, trong nước đã nhận được sự đồng thuận, đồng tình, hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc, sự ủng hộ, động viên về vật chất và tinh thần của Nhân dân cả nước và cả đồng bào ta ở nước ngoài. Nhiều người đã sẵn lòng “nhường cơm sẻ áo”, các tổ chức và đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tham gia đóng góp ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần để cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp và nhiều bộ ngành đã tình nguyện đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, sức lực, kinh nghiệm và những sáng kiến thiết thực cho công tác phòng, chống dịch.

Mới đây nhất Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”. Theo Quyết định, phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị và doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Mục tiêu cụ thể của kế hoạch nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tập trung cao nhất mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 với phương châm “phòng là cơ bản, chiến dịch lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên”, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, kế hoạch đề cao tinh thần thi đua, khuyến khích sáng tạo, phát huy sáng kiến huy động mọi nguồn lực, đề xuất các giải pháp và biện pháp trên mọi lĩnh vực để đẩy lùi dịch bệnh, hạn chế thiệt hại về người tài sản. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng nhằm tổ chức phong trào thi đua với nội dung, hình thức phong phú, phù hợp, thiết thực nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và tinh thần quốc tế cao đẹp, động viên, lôi cuốn các cấp, ngành và toàn thể nhân dân tích cực chủ động tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19.

3. Kết luận.

Bên cạnh những thành công bước đầu, chúng ta vẫn vướng những hạn chế, bất cập: Nhiều nơi, có lúc bị động, lúng túng trong phòng, chống dịch; công tác triển khai các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 15, 16 ở một số địa phương còn chưa nghiêm, nhất là người dân còn tâm lý lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch; một số cán bộ chưa thật sự chủ động, trách nhiệm trong phòng, chống đại dịch; hiện nay tỷ lệ bệnh nhân ngày càng tăng, số người chết vì Covid chưa có dấu hiệu giảm… Để giải quyết những khó khăn trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường đến từng cá nhân, tập thể, tổ chức như sau:

Một là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức. Các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần chủ động nắm bắt kịp thời, đầy đủ, kỹ lưỡng những nội dung chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy; bám sát và nắm chắc thực tiễn tại cấp ủy, địa phương, đơn vị; dự báo tình hình để thực sự chủ động áp dụng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh có kết quả.

Hai là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân là vấn đề quan trọng và then chốt, cần tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện, đặc biệt là đối với bộ phận người dân còn thờ ơ, lơ là, chấp hành chưa nghiêm. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như trên hệ thống loa truyền thanh, tờ rơi, áp phích. Nội dung bài tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung vào các văn bản, chỉ thị của Chính phủ, Bộ Y tế … về phòng, chống dịch Covid-19 giúp người dân dễ dàng nắm bắt và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho chính bản thân, bảo vệ cộng đồng. Bên cạnh đó, kết hợp tuyên truyền và tăng cường giám sát, xử phạt nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19 để nâng cao ý thức của người dân.

Ba là cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức rà soát, cập nhật các kịch bản, phương án ứng phó với tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, bảo đảm luôn sẵn sàng, chủ động đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh.

Bốn là mỗi người dân cần tự lực, tự cường, tự nâng cao ý thức thực hiện đầy đủ các khuyến cáo trong phòng, chống dịch. Phát huy tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch” vì vậy mỗi người dân luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm cá nhân chủ động, quyết liệt, tích cực, đoàn kết để đạt hiệu quả sớm nhất.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bằng sự đoàn kết, đồng lòng, tinh thần tự lực, tự cường được phát huy chúng ta đã mạnh mẽ vượt qua ba đợt dịch lớn và nhất định chúng ta cũng sẽ chiến thắng giặc “Covid”./

 

Tài liệu tham khảo.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, 2011.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.110

3. Trang Thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid – 19, Bộ Y tế.

4. Đề cương chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn